Hà Nội

Kim ngân hoa trị ung nhọt

24-11-2015 08:00 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Kim ngân hoa tên khoa học là Lonicera japonica Thunb. Ngoài ra còn có nhiều loài khác cũng được sử dụng như: kim ngân dại ...

Kim ngân hoa tên khoa học là Lonicera japonica Thunb. Ngoài ra còn có nhiều loài khác cũng được sử dụng như: kim ngân dại (Lonicera dasystyla Rehd), kim ngân lẫn (Lonicera confusa DC)... Cây kim ngân mọc hoang và được trồng ở nhiều tỉnh miền Bắc, được dân gian dùng chữa bệnh từ lâu đời. Theo Đông y, kim ngân hoa tính mát lạnh, vị ngọt, hơi đắng, vào 4 kinh phế, tâm, tỳ, vị; không độc. Có công năng thanh nhiệt, lợi thấp, giải độc, giải biểu, lợi tiểu; dùng chữa bệnh ngoài da, sốt không có mồ hôi gây khát nước. Kim ngân hoa là một vị thuốc rất hiệu quả với các chứng ung nhọt, chốc lở, giang mai... Xin giới thiệu 5 bài thuốc trị ung nhọt từ kim ngân hoa.

Kim ngân hoa thảo tửu: kim ngân hoa 50g; cam thảo 10g, nấu với 2 chén nước còn 1/2 chén, hòa với 1/2 chén rượu, hâm nóng, chia 3 lần uống trong ngày. Chữa ung nhọt, phế ung, trường ung.

Nhẫn đông đằng tiên tửu (Cảnh nhạc toàn thư): nhẫn đông đằng (dây kim ngân) 50g, sinh cam thảo 10g, cho vào nồi đất nấu với 2 chén nước lấy 1 chén, cho vào 1 bát nước đun sôi vài lần, lọc bỏ bã, chia 3 phần uống trong ngày. Bên ngoài các chỗ đau, lấy 1 nắm lá kim ngân hoa giã nhuyễn, nhào với 1 lít rượu, nấu thành cao, đắp. Chữa ung nhọt mới phát, các khớp xương sưng, nóng, đỏ đau.

Bổ kim tửu: kim ngân hoa 15g; bồ công anh 15g; sắc thuốc với 2 chén rượu còn 1 chén, chia 2 phần uống làm 2 lần (sáng và tối), sau bữa ăn; bã đắp lên vú đau. Chữa viêm tuyến vú.

Tứ diệu dũng an thang: kim ngân hoa 90g, huyền sâm 90g; đương quy 60g để giải độc, hoạt huyết chỉ thống. Chữa các chứng nhiệt độc kết tụ... Hiện nay dùng chữa viêm tắc động tĩnh mạch.

Ngũ thần thang: kim ngân hoa 30g, tử hoa địa đinh 12g, phục linh 12g, ngưu tất 10g, xa tiền tử 10g, sắc uống. Tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, chữa cốt ung chi dưới. Ngày nay dùng chữa cốt tủy viêm, viêm đường tiết niệu và các bệnh thấp nhiệt khác.

Lưu ý: Không dùng kim ngân hoa cho trường hợp không phải thực nhiệt và không do nội nhiệt (huyết nhiệt), người bị hư hàn (tiêu chảy) và ra nhiều mồ hôi. Không nên dùng làm nước uống thông thường hàng ngày. Nước sắc kim ngân có tác dụng mạnh hơn các dạng bào chế khác. Dùng hoa tốt hơn cành lá (nếu dùng cành lá phải tăng liều gấp 2-3 lần và phải ghi rõ tên đó vào trong công thức) vì giá trị khoa học và kinh tế khác nhau.

BS. Phó Đức Thuần

 


Ý kiến của bạn