Hà Nội

Kim ngân: Hoa đẹp giải nhiệt

SKĐS - Loài hoa này được các lương y xưa và nay sử dụng với vai trò là vị thuốc quan trọng trong các bài thuốc điều trị bệnh và thanh nhiệt giải độc cho cơ thể.

Kim ngân hoa hay còn có tên gọi khác là nhẫn đông hoa. Sở dĩ có tên này vì cây không những có khả năng chịu đựng được mùa đông mà còn có thể phát triển xanh tốt vào giai đoạn thời tiết này (nhẫn đông nghĩa là chịu đựng mùa đông). Cây kim ngân khi ra hoa có điểm rất đặc biệt là những hoa ra sớm sẽ có màu trắng như bạc, sau đó một thời gian nở lâu dài các hoa này sẽ chuyển sang màu vàng, cho nên trên cùng một cây ta có thể thấy được 2 màu sắc hoa cùng hiện diện là hoa trắng và hoa vàng, vì thế cây được đặt tên là kim ngân (kim là vàng, ngân là bạc).


Mô tả cây

Kim ngân có tên khoa học là Lonicera japonica Thunb. Đây là loại cây mọc hoang ở nhiều tỉnh phía bắc nước ta, đặc biệt là các tỉnh miền núi như: Cao Bằng, Lạng Sơn. Ngày nay, cây đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi để làm thuốc điều trị bệnh. Đây là một loại cây có thân dây mọc leo, thân cây có khả năng vươn dài tới 10m hoặc hơn. Cành cây lúc còn non có màu lục nhạt, phủ lông mịn, khi cành già chuyển sang màu nâu đỏ nhạt, nhẵn. Lá mọc đối hoặc vòng 3, hình trứng dài, đầu hơi tù, phía cuống tròn, cuống ngắn, cả 2 mặt lá đều phủ lông mịn. Bộ phận thường được thu hái là hoa, còn cành lá ít được sử dụng hơn vì tác dụng dược lý so với hoa không hiệu quả bằng. Người ta thường thu hái vào đầu mùa hạ những hoa có nụ mới nở còn màu trắng chưa chuyển vàng là tốt nhất.

Cây kim ngân có thể mọc xanh tốt quanh năm, lại cho hoa đẹp và thơm, nên cây còn có thể được sử dụng để làm cây cảnh trong vườn nhà, vừa có thể sử dụng như một vị thuốc có sẵn cho gia đình.

Những lợi ích

Theo Đông y, kim ngân hoa vị ngọt, tính hàn, không độc, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, trị sốt. Trong nhân gian thường sử dụng để chữa mụn nhọt, rôm sảy, thủy đậu, sởi, tả lỵ. Ngoài ra, đã có một số nghiên cứu cho thấy kim ngân có vai trò trong điều trị dị ứng, viêm mũi và thấp khớp. Liều thường dùng trong ngày từ 12 - 20g hoa khô.

Ngày nay, khi chiết xuất các thành phần có trong hoa kim ngân, người ta tìm thấy trong đó một số các chất có lợi trong việc phòng cũng như điều trị bệnh như flavonoid, saponin và các yếu tố khác có công dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống khối u, làm mau liền sẹo. Đồng thời, các chất hiện diện trong cây có khả năng chống lại quá trình oxy hóa của cơ thể, ngăn chặn quá trình lão hóa cũng như có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa các căn bệnh mạn tính.

Qua một số nghiên cứu về khả năng sử dụng kim ngân hoa như một loại kháng sinh thực vật, người ta đã thấy được công dụng hiệu quả của nó đối với việc đề kháng một số vi khuẩn như: trực khuẩn lỵ, dịch hạch, thương hàn, cận thương hàn, liên cầu khuẩn tan huyết và có tác dụng yếu hơn đối với các loại vi khuẩn khác như: E.coli, phế cầu, tụ cầu vàng, bạch hầu. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế một số nấm ngoài da khá hiệu quả.

Kim ngân hoa có khả năng kháng viêm, giảm xuất tiết, hạ sốt, làm thanh mát cơ thể. Người xưa thường sử dụng kim ngân pha nước uống để giải nhiệt cơ thể, làm dịu mát trong những ngày thời tiết oi bức, hay cho trẻ em sử dụng để điều trị rôm sảy, mẩn ngứa.

Bài thuốc dùng kim ngân hoa

Kim ngân hoa có tác dụng thanh thấp nhiệt ở vị tràng, dùng để chữa trị kiết lỵ, có thể phối hợp với hoàng liên, rau sam. Hay dùng để lương huyết, cầm máu bằng cách đem kim ngân hoa sao vàng sém cạnh để trị chứng tiểu tiện ra máu.

Bên cạnh đó, các nhà lâm sàng còn thấy rằng sau khi sử dụng kim ngân hoa một thời gian có tác dụng làm hạ các cholesterol không có lợi trong cơ thể, đặc biệt là thành phần cholesterol trọng lượng phân tử thấp hay còn gọi là LDL-, yếu tố này nếu tăng nhiều trong hệ tuần hoàn sẽ dẫn tới những hệ quả bất lợi cho cơ thể, là nguyên nhân gây nguy cơ cao dẫn đến các căn bệnh mạn tính thường gặp như: xơ vữa động mạch, đái tháo đường, các tai biến trên mạch máu não và tim. Đồng thời, khi sử dụng nó còn làm cho cơ thể trở nên hưng phấn hơn, tạo cảm giác dễ chịu hơn, đặc biệt là khi thời tiết nắng nóng hoặc đối với những người có cơ địa thiên về nhiệt, hay đang mệt mỏi, nóng trong người.

Những đối tượng đang mắc bệnh cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa mỡ máu có triệu chứng nóng bứt rứt trong người, hay nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, khô khát, ra mồ hôi nhiều có thể sử dụng phối hợp kim ngân hoa với các vị thuốc như: cúc hoa, sơn tra, mỗi vị 10g hãm với nước sôi uống thay trà hàng ngày cũng mang lại những hiệu quả tích cực.

Bài thuốc cổ Ngân kiều tán phối hợp kim ngân hoa với một số vị thuốc khác dùng để điều trị mụn nhọt, sốt, cảm rất hiệu quả: kim ngân hoa 40g, liên kiều 40g, kinh giới 16g, cát cánh 24g, đạm đậu xị 20g, bạc hà 24g, ngưu bàng tử 24g, trúc diệp 16g.

Bài thuốc cổ Bạch hổ quế chi thang được sử dụng trong việc điều trị các bệnh về viêm khớp đang có diễn biến cấp tính, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp, bài thuốc phối hợp vị kim ngân hoa với các vị thuốc khác như: thạch cao 40g, kim ngân hoa 20g, quế chi 6g, tri mẫu 12g, hoàng bá 12g, thương truật 8g, tang chi 12g, ngạnh mễ 12g, cam thảo 8g.

Điều trị chứng mẩn ngứa, dị ứng có thể phối hợp các vị thuốc sau: kim ngân hoa 20g, thổ phục linh 6g, quyết minh tử sao 6g, sinh địa 8g, mạch môn 8g, hoàng đằng 8g, huyền sâm 10g, liên kiều 10g.

Cũng cần lưu ý rằng, vì kim ngân có tính chất hàn nhiều nên khi sử dụng với hàm lượng cao hoặc lâu dài sẽ khiến cho tình trạng nê trệ hệ thống tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như: ăn uống không tiêu, đầy bụng, ợ hơi hoặc nặng hơn có thể dẫn tới tình trạng tiêu phân lỏng. Các nghiên cứu hiện nay cũng cho thấy rằng, hoa kim ngân không có độc tính nên ta có thể yên tâm phần nào khi có những biểu hiện của tác dụng phụ. Nếu có xuất hiện những triệu chứng trên, người dùng hãy ngưng sử dụng hoặc giảm liều lượng trong vài ngày thì các tình trạng đó sẽ không còn nữa.

BS. NGUYỄN KỲ XUÂN NHỊ


Ý kiến của bạn