Ở một số hình tượng nhân vật của mình, Võ Thị Xuân Hà miêu tả vấn đề tính dục như là một nhu cầu tự nhiên của con người. Truyện Xóm đồi hoa viết về cảm xúc của một gã chăn bò chừng mười chín tuổi khi sắp được lấy vợ: "Nhưng đêm cũng như lúc chiều chạng vạng, giấc mơ đàn ông cứ trỗi dậy trong tấm thân cường tráng của gã". Cho nên khi nhìn thấy cô gái điếm nằm ngủ trên đồi thì chỉ đến "Giây thứ ba gã lao tới như một con trâu điên. Quần áo trên người gã cũng tung bay trên đám cỏ gai". Còn cô gái kia cho đến nửa đêm mà "Trong lòng cô như có ngọn lửa cháy sáng (...) với niềm hạnh phúc cứ trào lên không cưỡng nổi". Những chi tiết rất giàu tính nhân văn bởi cho thấy trong sâu thẳm tâm hồn cô gái điếm có số phận bất hạnh này (sống lang thang vì bị bệnh cùi, một thứ dịch bệnh đang hoành hành trong xã hội đương thời, khiến chân tay cô lở loét), chất người lương thiện vẫn còn rất mãnh liệt. Nếu có cơ hội là nó lại bùng lên. Đọc Chuyện của con gái người hát rong, ta cũng thấy có đoạn tả về những cảm xúc nhục thể đầu đời của cô thiếu nữ Út Kim: "Đình lấy tay khẽ phủi kiến trên tóc tui. Rồi bàn tay dừng lại như khẽ hỏi. Tui giả bộ ngó sang đàn kiến đang náo loạn. Tim tôi cũng náo loạn (...). Tui im lặng tận hưởng khoảnh khắc man trá của trái tim náo loạn". Rõ ràng, với hai tác phẩm này, khi nhìn nhận vấn đề không bằng con mắt bị chi phối bởi các yếu tố luân lí, đạo đức phương Đông nhiều khi quá khắc nghiệt, chúng ta sẽ thấy vẻ đẹp thật tự nhiên của các nhân vật, với họ, chuyện gần gũi về xác thịt cũng là một nhu cầu tất yếu, nó không làm các nhân vật xấu đi mà ngược lại, cho thấy trong bản thân họ cái chất người thật tự nhiên mà đáng quý.
![]() |
Trong một số truyện ngắn của mình, vấn đề tính dục lại được Xuân Hà miêu tả như một nhu cầu nổi loạn, phá phách của người phụ nữ để thoát khỏi cuộc sống nhàm tẻ, bức bối. Nói về kiểu nhân vật này không thể không kể đến Diễm trong Đàn sẻ ri bay ngang rừng, một cô gái rất cá tính và thậm chí có phần hoang dã. Ngược lại với người vợ mạnh mẽ, cá tính, Thản dù là một người đàn ông có ngoại hình hấp dẫn nhưng tính cách thì có phần thụ động, yếu đuối khiến anh không dám bênh vực vợ mỗi khi Diễm bị bố mẹ chồng hoặc em chồng đè nén. Điều này làm cho cô trong mơ hồ lại nảy sinh tình cảm với Nẫm - người anh của Thản đã mất khi tham gia kháng chiến chống Mĩ - mặc dù Diễm chỉ được nghe Thản kể về anh mình. Nhưng đây không phải là thứ tình cảm bắt nguồn từ ham muốn xác thịt tầm thường mà thiên về tinh thần, là sự mong muốn một chỗ dựa. Bản lĩnh của nhà văn thể hiện ở đây khi tác giả không muốn dùng những yếu tố giật gân nhưng phản cảm, phản thẩm mĩ để thu hút độc giả. Cái tài, cái tâm và cả cái tầm của nhà văn là ở chỗ đó. Và cũng vì thế, truyện mang đậm tính nhân văn chứ không hề mang yếu tố trụy lạc, loạn luân như không ít người thấy qua hình tượng nhân vật người vợ trong Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu sau này. Văn học là một loại hình nghệ thuật nhưng tác phẩm văn học chỉ thực sự là nghệ thuật chân chính khi những sáng tạo ấy cuối cùng nhằm tôn vinh những giá trị cao đẹp của con người. Có như thế, tác phẩm mới có thể tồn tại cùng thời gian. Đàn sẻ ri bay ngang rừng của Võ Thị Xuân Hà nằm trong số những sáng tác như vậy.
Bùi Ninh