Thời gian gần đây, người dân huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bày tỏ sự trầm trồ trước dãy núi đá có hình thù độc đáo ở xã Phước Năng. Dãy núi đá kì vĩ này nằm cách đường Hồ Chí Minh khoảng 2km, cách trung tâm thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn) hơn 10km về hướng Tây Nam.
Theo người dân địa phương, trước đây dãy núi đá ẩn mình trong đất, chỉ lộ một ít nhưng bị cây cối che khuất. Đến năm 2018, khi dự án thủy điện Nước Chè được triển khai, đường mở ra để dẫn nước từ đập chính đến tubin đã làm phát lộ vách núi với các khối đá xếp chồng lên nhau, mang nhiều hình dạng kỳ thú. Dãy núi đá dài gần 500m, phía dưới có dòng suối Đắk Chè, phía trên là rừng cây bao phủ.
Mỗi trụ đá cao gần 5m, xếp liền kề nhau chạy dọc theo con đường. Những trụ đá dạng cột, xếp theo chiều thẳng đứng. Mặt cắt các trụ đá, cột đá có tiết diện hình tứ giác, lục giác hoặc tròn. Các khối đá được xếp chồng nhiều hình dạng như ghềnh Đá Đĩa nổi tiếng tại Phú Yên.
Một số người am hiểu địa chất cho rằng dãy núi đá này có thể có niên đại cả triệu năm. Qua quá trình phong hóa và xói mòn, những lớp đá trầm tích đã tạo nên những cột đá có hình dạng kỳ thú. Đặc biệt ấn tượng là sự sắp xếp đều đặn của các cột đá, tạo nên một vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa hài hòa.
Chủ tịch UBND xã Phước Năng Hồ Văn Khu cho biết, Phước Sơn là huyện miền núi nên diện tích đồi núi chiếm 95% tổng diện tích. Dân cư Phước Sơn khá thưa thớt, họ sống chủ yếu tập trung thành từng cụm nhỏ trong những thung lũng sâu. Do ngọn núi mới phát lộ nên còn rất hoang sơ và chưa được nhiều người biết đến. Thỉnh thoảng chỉ có vài người dân địa phương đến tham quan, sau đó xuống suối tắm.
Hồi tháng 3, mảng đá phiến amphibol 400 triệu năm, thuộc Danh lam thắng cảnh Bàn Than - Hòn Mang - Hòn Dứa, xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, Quảng Nam được xếp hạng Di tích Quốc gia.
Nơi đây có các ghềnh đá phiến sẫm màu ấn tượng; các bãi biển rộng, dài, sạch, nước biển xanh trong; các rặng dừa xanh mát; con người hiền hòa, sản vật biển phong phú. Giá trị cốt lõi của cả khu vực là lớp lớp các vỉa đá phiến nhô cao ra phía biển. Đá phiến phân bố ở dải đồi cao phía bắc xã đảo Tam Hải, phía bắc mũi nhô xã Tam Quang; ở dải các bãi đá, đảo đá trong vũng An Hòa, tiêu biểu là Bàn Than, Hòn Mang và Hòn Dứa. Dải núi Bàn Than thuộc đảo Hòn Mang, Hòn Dứa. Ở đây lộ đá phiến amphibol là chủ yếu, đôi chỗ có ít đá phiến thạch anh - biotit xen kẹp.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Bản tin dự báo thời tiết mới nhất hôm nay ngày 27/8 | SKĐS