Bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) thể nhẹ có thể điều trị và chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ để được điều trị, ăn uống cho đúng. Trên thực tế có không ít trường hợp mắc bệnh SXH lại kiêng khem đủ thứ không cần thiết dẫn đến cơ thể đã bệnh lại thiếu chất, trong đó kiêng bổ sung Vitamin C vì cho rằng đồ chua không tốt là một ví dụ.
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, việc bổ sung vitamin đều có hiệu quả, nhất là vitamin C giúp làm vững thành mạch, nên giảm tình trạng xuất huyết. Chính vì vậy, ThS. Cấp khuyến cáo người dân không cần kiêng C sủi hay nước chanh.
Đồng quan điểm, TTƯT.ThS.BS. Lê Thị Hải – Nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, khi bị bệnh SXH, người dân cần chú ý bổ sung vitamin và khoáng chất vì nó tốt cho sức khỏe. Nếu cơ thể đủ chất, có sức đề kháng tốt, thì bệnh diễn biến nhẹ hơn, giảm biến chứng.
Vitamin C giúp tăng đề kháng, làm bền thành mạch, giảm tình trạng xuất huyết. Ảnh minh họa.
“SXH do virus gây ra thường có biểu hiện sốt rất cao, dễ gây mất nước. Ngoài sốt, còn xuất huyết, lo ngại nhất là bị sốc và giảm tuần hoàn. Điều đầu tiên khi bị sốt nói chung (và đặc biệt SXH) là cần bù nước, điện giải. Người bệnh cần phải uống nước, nước đun sôi để nguội, và tiếp đó là nước quả. Các loại quả như chanh, cam quýt chứa nhiều vitamin C, tăng đề kháng, làm bền thành mạch, giúp giảm thoát nước tương trong máu. Ngoài ra, nước dừa cũng rất là tốt”- ThS. Hải tư vấn thêm.
Về chế độ ăn, ThS. Hải khuyên bệnh nhân SXH nên lỏng và mềm, giàu chất dinh dưỡng như súp, cháo. Nên ăn thực phẩm giàu protein và kẽm để tăng sức đề kháng. Các chất này có nhiều trong gà, cá, chúng ta có thể cho vào súp cháo. Ngoài ra, sữa cũng tăng cường vitamin và sức đề kháng. Nếu người bệnh khó ăn thì có thế chia nhỏ bữa ăn trong ngày.
Với bệnh nhân SXH điều trị tại nhà, các chuyên gia cho biết, do người bệnh rất mệt mỏi nên môi trường sống cần tạo điều kiện cho bệnh nhân nằm ở chỗ thoáng mát, thông khí. Chúng ta cần theo dõi các dấu hiệu của bệnh để kịp thời đến cơ sở y tế.
Bệnh nhân SXH điều trị tại BV Bạch Mai. Ảnh: D.Hải.
Cách hồi phục sức khỏe sau khi mắc SXH
PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trong quá trình trị bệnh có một số loại thực phẩm cần tránh như các thực phẩm khó tiêu, các thực phẩm chế biến ở nhiệt độ cao như rán, chiên vừa giàu chất béo, chất protein bị kết tủa làm cho quá trình tiêu hóa khó tiêu hóa, các đồ gia vị chua cay…”- PGS. Lâm cho hay.
Với người bệnh ở giai đoạn hồi phục và sau khi hồi phục, cần chế độ ăn dần bù năng lượng, đạm bù đắp lượng chất bị thiếu hụt trong khi bị bệnh, chế độ ăn bồi dưỡng, chế biến dễ ăn phù hợp từng đối tượng. Tăng cường các loại sinh tố, các thực phẩm giàu protein như trứng, sữa. Trẻ đang còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục bú mẹ, các bé đang ăn bột, cháo thì cần bổ sung dinh dưỡng, thêm sữa chua, sữa công thức, vi chất dinh dưỡng, có thể cho thêm bí đỏ, rau xanh để bổ sung. Các thực phẩm từ thịt, hải sản đều giúp tăng cường đề kháng.
Đặc biệt ở phụ nữ mang thai bị SXH thì cần chú ý, vẫn phải cần bù dịch rồi giàu vitamin và khoáng chất, nhất là vitamin C, các vi chất như sắt, kẽm đầy đủ giúp năng cao đề kháng của cơ thể. Cần chia nhỏ bữa ăn để đủ khẩu phần dinh dưỡng, tùy theo tháng thai cần nhiều hơn bình thường, ở 3 tháng giữa cần nhiều hơn bình thường 10g chất đạm. Ví dụ có thể ăn thêm quả trứng, hoặc 30g thịt hoặc uống cốc sữa bà bầu. Đặc biệt cần phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, có thể uống thêm vi chất đa dinh dưỡng chuyên biệt cho bà bầu để phòng tránh và đảm bảo sức khỏe bà mẹ và thai nhi. Cần tránh bỏ bữa để không ảnh hưởng đến bà mẹ và thai nhi.