Hà Nội

Kiêng kỵ để may mắn hơn trong năm mới

19-02-2015 15:38 | Thời sự
google news

Đầu năm, người Việt thường kiêng quét nhà, cho lửa, cho nước, đi vay cũng như cho vay. Nhà có tang thường không đi chúc Tết để tránh mang trường khí xấu đến cho gia chủ...

Kiêng quét nhà, đổ rác

Trước 30 Tết, mọi nhà đều dọn dẹp sạch sẽ để tránh quét dọn, đổ rác trong 3 ngày đầu năm. Nhưng thực tế, cùng với việc đón tiếp khách, nhất là tổ chức ăn uống tại nhà, không thể không dọn dẹp lại, cũng như đổ rác. Một số nơi nghĩ ra mẹo, không quét hất ra cửa, mà quét vào trong để đỡ... "mất lộc" hoặc quét dồn vào một chỗ, sau những ngày Tết mới hốt đổ đi. Kiêng kỵ để mong may mắn trong năm mới là điều dễ hiểu, song việc bẩn phải dọn, rác đầy phải đổ... là chuyện bình thường, không cần thiết phải kiêng quá đà để rác chất đống trong nhà 3 ngày liền, gây mất vệ sinh, bệnh tật...

Kiêng tang tóc, khóc lóc

Người xưa có tục kiêng những chuyện buồn ngày đầu năm. Có tang thì cũng cất khăn tang 3 ngày Tết, nếu có người mất vào 30 Tết thì cũng kiêng không phát tang mà để sau một vài ngày. Người có tang cũng kiêng không sang nhà khác chúc Tết hay xông đất. Đầu năm người ta cũng kiêng khóc lóc, cố gắng hạn chế không cho trẻ khóc, mè nheo đầu năm. Thực tế, khi có người khóc lóc, đau buồn, hay người có tang đến nhà sẽ mang theo trường khí xấu và gây ảnh hưởng không tốt đến tâm lý chủ nhà.

Cách hóa giải cũng đơn giản và khoa học, chỉ cần mời người thân quen đến nhà chơi, ăn uống là có thể tăng trường khí tốt, loại bỏ trường khí xấu, chứ không nên cúng bái, hay đốt vía... mang nặng tính mê tín mà không giải quyết được.

p-2610-1424273728.jpg
Ảnh: Hoàng Phương.

Kiêng cho nước, lửa

Người xưa cho rằng lửa mang lại may mắn cho đầu năm, nên chỉ đi xin chứ không cho. Nước cũng được coi như tài lộc, nên người xưa cũng kiêng cho nước 3 ngày đầu năm vì sợ mất lộc, mất tiền tài. Do đó mới có phong tục đến đình chùa xin "lộc"... với hy vọng cả năm được may mắn..

Tuy vậy cũng tránh thái quá, có trường hợp nhà hàng xóm vô tình mất nước đúng mùng 1 tết, sang xin nước thì xung quanh từ chối cho. Vì kiêng kỵ mà không giúp đỡ người khác là không nên.

Kiêng làm đổ vỡ đồ dùng

Người xưa kiêng làm vỡ bát đĩa, ấm chén đầu năm vì cho rằng đổ vỡ sẽ gây ra sự chia lìa, tan nát. Vì thế khi bê, đặt hay rửa bát, đĩa... hay những đồ dễ vỡ đều cần thận trọng hơn. Trên thực tế, chuyện làm rơi vỡ đồ đầu năm là điều không tránh khỏi. Một số nơi trấn an bằng cách cho rằng đổ vỡ gây ra tiếng động tốt, mang lại may mắn. Do đó, nếu bạn lỡ làm rơi bát đĩa cũng không phải lo lắng.

Kiêng tranh cãi, gây bất hòa

Đầu năm mọi người đều luôn niềm nở, giữ hòa khí dù có bất đồng, xích mích. Ngay cả khi trẻ con nghịch ngợm, phạm lỗi cũng dễ được mọi người bỏ qua.

Kiêng vay, cho vay

Đi vay đầu năm được cho là sẽ túng thiếu cả năm, còn cho vay sẽ khiến tiền bạc phân tán, nên người ta có xu hướng kiêng đi vay, cho vay cũng như đòi nợ đầu năm. Ngay cả trong công việc, người ta cũng có xu hướng tránh giục, đòi người khác phải hoàn thành vì cho rằng sẽ không may mắn.

Kiêng xuất hành, mở hàng, đi lễ ngày xấu

Với quan niệm "đầu xuôi đuôi lọt", người xưa khi xuất hành, mở hàng hay đi lễ đầu năm đều chọn ngày giờ tốt. Ngày giờ tốt mỗi năm một khác, không cố định, vì vậy cần tra cứu theo sách lịch. Năm 2015 ngày tốt mở hàng là mùng 1, mùng 2, mùng 6, mùng 8, mùng 9; ngày tốt đi lễ là từ mùng 2 đến mùng 9; ngày tốt xuất hành là mùng 1, mùng 2, mùng 6, mùng 8.

Nhiều người hay trích dẫn câu dân gian "Mồng 5, 14, 23, đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn" và cho rằng mùng 5 không xuất hành được là không đúng, vì phải tùy thuộc từng năm. Còn thực tế, mùng 5, 14, 23 là ngày đẹp, vua chúa xưa hay đi tuần thú nên dân tình phải tránh ngày này (đường sá, chợ búa... phải dẹp hết, đồng thời phải tránh gặp vua). Không phải cứ câu dân gian nào cũng áp dụng vào đời sống hiện đại, nhất là lại áp dụng máy móc lại càng không hợp.

Một số kiêng kỵ không quan trọng hoặc không phổ biến khác

- Kiêng ăn thịt chó, mực, cá mè, thịt vịt… đầu năm vì cho rằng sẽ không may mắn.

- Dân gian có câu "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi", với nhiều ý nghĩa, như có muối cho đậm đà, hay dạy cách dè sẻn, hay xóa bỏ trường khí âm, tà ma. Do tính chất thương mại, nhiều nơi cố ép khách đi lễ mua bằng được, khách không mua thì nói những câu không hay, gây lo lắng không cần thiết. Thực tế cũng không cần phải mua.

- Một số nơi kiêng để cối xay trống, nồi cơm trống,... vì cho rằng không may mắn, thiếu ăn.

- Khi đến nhà chơi Tết, kiêng từ chối khi chủ nhà mời uống rượu, ăn bánh dù bạn đang no, hoặc không thích ăn. Tuy vậy cũng đừng quá miễn cưỡng, nếu chủ nhà mời ăn cỗ hay uống rượu mà bạn thấy không thích hợp thì cũng nên tìm lý do từ chối khéo.

- Vào mùng 3, bắt đầu làm lễ hóa vàng để kết thúc tết, nhiều người cho rằng đây là ngày tiễn đưa gia tiên về cõi âm là không đúng. Thực tế lễ hóa vàng gắn liền với văn hóa đón tài thần, mùng 2 mùng 3 là lễ đón Hỷ thần (thần may mắn, hạnh phúc), đón Tài thần (thần tài lộc), mùng 4 là đón tiếp các vị thần khác từ thiên đình về hạ giới, mùng 5 là ngày phá trừ, dỡ bỏ đồ cúng. Nhiều nơi khai trương, mở hàng mùng 5 để đón Ngũ lộ thần tài.

Về cơ bản, những kiêng kỵ trong quan niệm dân gian này tuy khá phổ biến nhưng chỉ để tham khảo, không cần quá máy móc áp dụng.

Nguyễn Mạnh Linh

Trưởng Phòng Phong thủy Kiến trúc

Viện Quy hoạch & Kiến trúc Đô thị – ĐHXD

 


Ý kiến của bạn
Tags: