Kiêng khám bệnh ngày Tết: "Căn bệnh" dễ gặp

20-02-2010 14:16 | Thời sự
google news

Sở dĩ, trong những ngày Tết các cơ sở y tế thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, nguyên nhân cũng chỉ do kiêng kỵ đầu năm,

Sở dĩ, trong những ngày Tết các cơ sở y tế thường tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, nguyên nhân cũng chỉ do kiêng kỵ đầu năm, tâm lý ngại không đến khám vì sợ cả năm kém may mắn. Điều này không những gây khó khăn trong quá trình điều trị mà có thể nguy hiểm cho tính mạng.

Lật lại hồ sơ bệnh án

Theo hồ sơ bệnh án, các bác sĩ Trung tâm y tế huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) cho biết, trong 3 ngày Tết năm Kỷ Sửu (2009), trung tâm tiếp nhận hàng chục trường hợp cấp cứu trong tình trạng nặng. Căn nguyên, cũng chỉ vì kiêng khám bệnh cộng với tâm lý ngại đến cơ sở y tế ngày đầu năm do sợ xui xẻo, cả năm kém may mắn. Cũng theo bệnh án, các bác sĩ vẫn còn nhớ như in, trường hợp chị Nông Thị Vy, 30 tuổi, trú tại xã Cẩm Quý nhập viện trong tình trạng da lạnh, tím tái, vật vã, li bì, đau bụng... Sau khi khám và chẩn đoán các bác sĩ kết luận sốc nặng do sốt xuất huyết. Nguyên do, biết mình bị bệnh, uống thuốc 3 ngày vẫn không hết. Nhưng cứ nghĩ đến chuyện mới đầu năm, đầu tháng mà đã vào bệnh viện nên ở nhà luôn, nào ngờ mới sáng mồng 1 Tết thì bệnh trở nặng. Cuối cùng phải nằm điều trị tại viện cả tuần với tâm trạng thấp thỏm vì sốt xuất huyết gây biến chứng gan thận.

 Đi du xuân nên giữ gìn sức khỏe để tránh bị ốm.    Ảnh: PV

Không chỉ riêng trường hợp của chị Vy, chị Tiến, trú tại xã Cẩm Châu cũng suýt mất đứa con 2 tuổi khi cháu bị ốm mà cả nhà ngại không dám đưa đến bệnh viện, chỉ cho uống thuốc cảm thông thường khi thấy con bị sốt, sổ mũi, ho, đau nhức mình mẩy vì bị cảm lạnh. Với tâm lý đi khám bệnh ngày Tết sợ xui xẻo cả năm, nên không cho cháu đi khám nhưng may mắn đâu không thấy, chỉ biết đến khi cháu li bì, hôn mê... thì mới vội cho đến viện. Các bác sĩ phải cấp cứu hơn một tuần cháu mới bắt đầu hồi phục do viêm phổi có biến chứng lên não.

Dù không kiêng cữ như gia đình chị Vy và chị Tiến, nhưng vợ chồng anh Định (trú tại thị trấn Cẩm Thủy) lại chủ quan không quan tâm đến việc bị sốt - ho - khò khè của con để rồi cuối cùng, cháu phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng tím tái, tim mạch bằng không do lên cơn suyễn cấp.

Thạc sĩ Dư Quang Liệu, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Thủy cho biết: Tết năm nào, bệnh viện cũng phải tiếp nhận nhiều trường hợp cấp cứu đặc biệt vì cha mẹ chủ quan hoặc kiêng cữ ngày Tết không dám đến bệnh viện. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ riêng Trung tâm y tế Cẩm Thủy mà tình hình cũng diễn ra tương tự tại các cơ sở y tế khác. Hầu hết các trường hợp nhập viện đều trong tình trạng nặng, nguy cơ biến chứng cao.

 Khám và phát thuốc cho bà con dân tộc tại Trung tâm Y tế Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ảnh: T. Hưng

Không chủ quan, lơ là khi có bệnh

Cũng theo thạc sĩ Liệu, thời tiết đông - xuân là thời điểm lưu hành nhiều bệnh đường hô hấp, đường tiêu hóa do vi rút, Ngoài ra, việc ăn uống không điều độ, uống nhiều bia rượu, đi du xuân trong thời tiết giá lạnh cũng khiến cơ thể dễ bị các chứng bệnh cấp tính như viêm dạ dày, ngộ độc rượu, ngộ độc thức ăn, cảm lạnh... Việc kiêng kỵ ngày Tết khi có bệnh không đi khám là điều không nên bởi khi bệnh nặng, nguy cơ biến chứng cao, diễn biến bệnh sẽ phức tạp không những nguy hiểm đến tính mạng mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị, nhất là khi mắc các bệnh về đường ruột, hô hấp, sốt xuất huyết,... Vì nhiều trường hợp thấy con mình bị tiêu chảy nhưng không quan tâm hoặc cố chờ qua Tết mới đưa đi khám, cuối cùng do tiêu chảy nhiều lần cơ thể không bù kịp nước dẫn đến bệnh nhi bị ngất lịm, thiếu ôxy não và tử vong. Bởi vậy, trong ngày Tết, cứ thấy trẻ sốt từ 2 đến 3 ngày không giảm thì nên vào bệnh viện thăm khám. Trường hợp trẻ bị tiêu chảy, không nên tự ý cho trẻ uống thuốc cầm nôn, cầm tiêu chảy, dùng kháng sinh.. mà nên cho trẻ uống bù nước bằng dung dịch oresol (pha theo hướng dẫn), khi trẻ tiêu chảy kéo dài cần đưa ngay đến cơ sở y tế khám để có hướng điều trị hợp lý. Hoặc với viêm ruột thừa, thủng dạ dày tá tràng là các chứng dễ khiến người bệnh chủ quan không đi khám, do tâm lý cứ nghĩ đến việc bị rối loạn tiêu hóa. Nhưng hậu quả thì không lường trước được vì các bệnh này là rất nguy hiểm bởi càng kéo dài, nguy cơ bệnh càng trở nặng. Ngoài các chứng bệnh cấp tính, trong những ngày xuân, bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, mỡ trong máu... cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý để tránh việc sau Tết bệnh trở nên nặng hơn. Điều đáng nói, không ít gia đình thường chuẩn bị sẵn kháng sinh trong nhà, cứ thấy hắt hơi, xổ mũi, đau họng hay bụng ậm ạch... là uống nên càng nguy hiểm vì uống thuốc bừa bãi, dài ngày không có tham vấn của bác sĩ bệnh không những không khỏi mà còn gây hại cho cơ thể.

Để tránh việc "hối hận thì đã muộn" do ngại đến bệnh viện, các chuyên gia y tế khuyến cáo khi đau ốm không được tự ý dùng thuốc tại nhà hoặc kiêng khám đầu năm mà nên đến cơ sở y tế thăm khám để có hướng điều trị thích hợp vì trong những ngày nghỉ Tết, tất cả bệnh viện vẫn làm việc 24/24 giờ. Và để không phải đi bệnh viện, khi vui xuân mọi người nên giữ gìn sức khỏe.

Nguyễn Thị Liên


Ý kiến của bạn