(Lê Tấn Tài - Bình Phước)
Đối với phần lớn các bệnh tim mạch, thầy thuốc thường khuyên bệnh nhân kiêng ăn mặn và chất béo. Hạn chế ăn mặn đặc biệt quan trọng nếu bị các bệnh suy tim, cao huyết áp.
Ăn mặn ở đây không phải là chay - mặn, mà là mặn - lạt, nghĩa là người bệnh phải hạn chế muối. Muối có nhiều trong nước chấm, các loại thức ăn khô như cá khô, chà bông, mắm. Nói tóm lại là người bệnh phải tránh ăn những thức ăn có vị mặn. Câu hỏi mà bạn đặt ra là phải hạn chế đến mức độ nào? Xin nêu một ví dụ, người bệnh suy tim nặng chỉ nên ăn tối đa 5g muối NaCl tương đương với 2 muỗng cà phê muối ăn cho cả một ngày, tính cả lượng nêm nếm trong khi nấu. Chế độ ăn như vậy làm thay đổi khẩu vị nên phần lớn người dân, nhất là ở nông thôn có thói quen ăn mặn hầu như không thể thực hiện được. Cách tốt nhất là người bệnh phải hạn chế ăn mặn đến mức tối đa có thể được. Hãy tập thay đổi từ từ, đầu tiên đừng dùng nước chấm khi ăn, tránh các loại mắm, cá thịt khô, nếu cần hãy nấu ăn riêng. Nên nhớ rằng nếu thực hiện được chế độ kiêng cữ tốt thì không những bệnh thuyên giảm mà còn giảm bớt thuốc uống, đỡ tốn tiền chữa bệnh.
Nếu bác sĩ bảo bạn bị rối loạn mỡ máu hay mập phì, thì nên hạn chế ăn chất béo như: thịt mỡ, phô mai, kem, bơ. Các loại thức ăn này làm tăng lượng cholesterol trong máu, đọng lại trong mạch máu gây nhiều bệnh như: nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…
Người bệnh tim không cần phải kiêng ăn chất đạm nếu không bị bệnh khác kèm theo (như bệnh thận) vì đây là nguồn cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt là các bệnh nhân bị bệnh tim nặng, suy kiệt càng cần phải ăn nhiều chất đạm mới giúp tạo đủ năng lượng cho cơ thể. Người bệnh nên hỏi bác sĩ về chế độ ăn của mình, loại thức ăn nào cần phải kiêng và loại nào không cần để có một chế độ ăn hợp lý.