Kiện Trung Quốc lên PCA - những lưu ý cho Việt Nam

02-07-2014 13:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tòa trọng tài thường trực (PCA) là tòa án mà Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc về vụ tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

SKĐS - Tòa trọng tài thường trực (PCA) là tòa án mà Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc về vụ tranh chấp giữa hai nước về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông.

Với việc ký kết Hiệp định nước chủ nhà với Tòa trọng tài thường trực (PCA) ngày 23/6 vừa qua, Việt Nam đã chính thức công nhận Tòa trọng tài thường trực có tư cách pháp lý cần thiết để tiến hành các hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế thông qua trọng tài, trung gian, hòa giải và ủy ban điều tra. PCA sẽ có tư cách pháp lý để cung cấp các hỗ trợ thích hợp khác liên quan đến hoạt động giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế do Tòa trọng tài thường trực tiến hành tại Việt Nam, cũng như tiến hành các hoạt động hợp tác với Việt Nam.

Tòa án Trọng tài Thường trực (Permanent Court of Arbitration, PCA) có trụ sở tại Lahaye, Hà Lan

PCA là một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại The Hague (Hà Lan) gồm 115 quốc gia thành viên, được thành lập vào năm 1899 để xét xử tranh chấp giữa các quốc gia thành viên. PCA có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, bao gồm cả tranh chấp lãnh thổ, giữa các quốc gia thành viên, trừ khi các quốc gia thỏa thuận lựa chọn một phương thức giải quyết khác.

PCA cũng chính là tòa án mà Philippines đã nộp hồ sơ kiện Trung Quốc về vụ tranh chấp giữa 2 nước về chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông tuy nhiên cho đến nay Bắc Kinh vẫn từ chối tham gia quá trình tố tụng. Ngày 3/6 vừa qua, PCA thông báo Tòa đã yêu cầu Trung Quốc đến ngày 15/12 phải nộp hồ sơ phản biện.

Vì sao nên kiện Trung Quốc ra PCA?

Giáo sư Luật Erik Franckx, thành viên của PCA cho rằng Việt Nam nên khởi kiện Trung Quốc. Có nhiều nội dung để kiện như phân định vùng biển, gây ô nhiễm vùng biển… Tuy nhiên lời khuyên mà giáo sư Franckx đưa ra là Việt Nam có thể chọn vấn đề như Philippines theo đó yêu cầu Trung Quốc phân định rõ đường 9 đoạn.

Giáo sư Luật Erik Franckx, thành viên của PCA. (Ảnh: Trà Xanh)

Giáo sư Frankx giải thích rằng khi khởi kiện ra Tòa án công lý quốc tế (ICJ) bắt buộc phải có hai bên chấp nhận. Trong tình hình hiện nay, khả năng kiện ra tòa này rất khó vì Trung Quốc có thể từ chối. Ví dụ như Nhật Bản, họ chủ động đưa những vụ việc tranh chấp đảo Senkaku ra tòa công lý nhưng phía Trung Quốc không có phản hồi. Tuy nhiên, nếu kiện Trung Quốc dựa vào những cơ chế giải quyết tranh chấp bằng UNCLOS lên PCA theo cách của Philippines là một cách hợp lý vì Trung Quốc cũng tham gia ký UNCLOS nên phải có trách nhiệm thực hiện.

Đồng quan điểm với giáo sư Frankx, giáo sư Jerome Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á cho rằng, Việt Nam có thể tham gia vụ kiện cùng với Philippines hoặc tự khởi kiện Trung Quốc.

Ông Cohen cũng cho rằng, có thể kiện Trung Quốc mà không cần có sự tham gia của Trung Quốc (như Trung Quốc đã làm trong vụ kiện của Philippines). Điều này cũng là một cách để thế giới thấy được rằng Trung Quốc đang cố tình lảng tránh và không quan tâm đến việc giải quyết vấn đề hiện nay bằng con đường hòa bình.

Theo giáo sư Cohen, khi kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế thì điểm mấu chốt không phải ai mạnh hơn ai mà là công lý, chính nghĩa thuộc về ai.

Kiện để thế giới thấy yêu sách phi lý của Trung Quốc

Chia sẻ về vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc, Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines cho biết, đến nay Trung Quốc không giải thích rõ ràng “đường 9 đoạn” là gì. Trong các cuộc tranh luận, Trung Quốc có lúc cho rằng “đường 9 đoạn” là “lãnh hải”, nhưng có lúc lại là “vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)”. Trung Quốc từ chối giải thích “đường 9 đoạn” cho dù họ thừa biết.

Giáo sư Renato DeCastro, trường Đại học De La Salle, Manila, Philippines. (Ảnh: Trà Xanh)

“Đó chính là lý do vì sao Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án trọng tài quốc tế về Công ước Luật biển, với hi vọng tòa án yêu cầu Trung Quốc giải thích “đường 9 đoạn” là gì và từ đó tòa đưa ra phán quyết “đường 9 đoạn” là không phù hợp với Luật quốc tế và dĩ nhiên mọi người đều biết là Trung Quốc là một thành viên tham gia Công ước quốc tế về Luật biển (UNCLOS)”, giáo sư Renato nói.

Về kết quả vụ kiện, giáo sư Renato cho biết, ít nhất cho đến nay mọi người nhận biết được vấn đề và đang bàn luận về nó. Điều này đã khiến Trung Quốc bị đẩy vào thế luôn phải đi biện hộ. Mỹ, Nhật và các nước đã thể hiện sự ủng hộ đối với Philippines và các cuộc bàn luận đã gây áp lực đối với Trung Quốc.

Trung Quốc bảo lưu những điều khoản không có lợi cho mình với UNCLOS

Về nguyên tắc, các nước ký UNCLOS đều chịu phán quyết của tòa án biển quốc tế, nhưng mỗi nước khi ký đều có quyền tuyên bố bảo lưu, không chấp nhận thẩm quyền phán xử của tòa án quốc tế trong lĩnh vực nào.

Trung Quốc đã có ý đồ từ rất sớm nên đã bảo lưu theo điều 298 của UNCLOS loại trừ cả bốn cách quốc tế giải quyết tranh chấp theo luật biển, đặc biệt là tòa án quốc tế giải quyết tranh chấp liên quan đến chủ quyền đảo...

Tuy nhiên có một nghĩa vụ căn bản của thành viên Liên Hiệp Quốc mà Trung Quốc không thể loại trừ. Đó là khoản 3 điều 2 Hiến chương Liên Hiệp Quốc và điều 279 UNCLOS đều quy định các nước thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng con đường hòa bình, không được sử dụng vũ lực, và nghĩa vụ này không bị loại trừ bởi bất kỳ tuyên bố nào.

Về vấn đề này, giáo sư Giáo sư Luật Erik Franckx, thành viên của Tòa trọng tài thường trực cho biết: “Khi ký UNCLOS, Trung Quốc đã khôn ngoan tự loại bỏ mình ra một số điều khoản có tính chất ràng buộc là những quyền bình thường của các nước tham gia. Bằng cách bảo lưu một số điều khoản trong UNCLOS, nên khi vấn đề được đưa ra tòa, Trung Quốc có khả năng nói rằng vấn đề này thuộc các loại trừ của họ. Đó cũng sẽ là một trong những khó khăn nếu Việt Nam kiện Trung Quốc theo Công ước Luật biển”.

Giáo sư Frankx cũng cho rằng, dù kết quả xấu nhất là Toà không có khả năng đưa ra phán xét thì đây cũng là một quá trình nêu quan điểm, thuyết phục ý kiến của dư luận thế giới.

“Đây là một cách văn minh để giải quyết tranh chấp, vẫn thúc đẩy hợp tác. Dù chạy đua các vụ kiện còn hơn là chạy đua vũ khí”, giáo sư Frankx nhận định./.

 

 


Ý kiến của bạn