Kiến trúc Việt thời hội nhập có gì mới lạ?

22-10-2018 06:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Kiến trúc là một ngành nghệ thuật đặc biệt, là cỗ máy cái sản sinh ra các ngành nghệ thuật khác. Lịch sử nhân loại đã gọi kiến trúc là âm nhạc, là thi ca được viết bằng đá.

Và vì thế, kiến trúc sư cũng có thể được gọi là nghệ sĩ. Cuộc sống càng hiện đại, lĩnh vực kiến trúc càng được coi trọng. Chưa bao giờ đô thị nước ta lại có diện mạo kiến trúc phong phú, đa dạng như hiện nay, tuy nhiên, thay vì một nền kiến trúc ổn định và giàu bản sắc, những gì chúng ta đang thấy chỉ là sự... hỗn loạn phong cách.

Thăng trầm kiến trúc Việt

Theo nhận định của giới chuyên gia, kiến trúc đô thị thời kỳ sau chiến tranh khoác một màu đơn điệu đến buồn tẻ, nhưng trật tự và ngăn nắp. Các khu nhà ở tập thể được quy hoạch bài bản theo mô hình tiểu khu nhà ở của Liên Xô và xây dựng bằng phương pháp lắp ghép bê tông tấm nhỏ, tấm lớn, có cấu trúc căn hộ khép kín rộng từ 24 đến 36 m2 ở khu vực Thanh Xuân (nơi tập trung nhiều trường đại học và nhà máy); Thanh Nhàn, Quỳnh Mai, Kim Liên, Trung Tự, Thành Công, Giảng Võ... cùng nhiều công trình phúc lợi công cộng như trường học, bệnh viện, nhà văn hóa, công viên... Công cuộc đổi mới đã như cơn lốc phá vỡ những rào cản, người dân được tự do cải tạo, xây nhà ở cho riêng mình. Đội ngũ kiến trúc sư Việt cũng ngày thêm đông đảo tỷ lệ thuận với sự ra đời của nhiều trường đại học dân lập có đào tạo kiến trúc sư như Đông Đô, Phương Đông... ở Hà Nội, hay Văn Lang ở TP. Hồ Chí Minh, Kiến trúc Đà Nẵng ở TP. Đà Nẵng. Sự xuất hiện Khu đô thị mới Bắc Linh Đàm ở Hà Nội và Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng ở TP. Hồ Chí Minh đầu thập niên 90 là khởi đầu đầy ấn tượng cho việc hình thành các khu nhà ở kiểu mới, cao tầng, kiến trúc hiện đại và tiện nghi tại các đô thị mới những năm tiếp theo, góp phần làm cho kiến trúc đô thị đổi thay tích cực theo hướng văn minh hiện đại.

Kiến trúc Việt Nam có vẻ đang chìm trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài, mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng.

Kiến trúc Việt Nam có vẻ đang chìm trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài, mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng.

Nhận ra tiềm năng lớn tại thị trường Việt Nam, nhiều tổ chức tư vấn nước ngoài đã sớm xuất hiện, tạo ra một cuộc “lột xác” thực sự cho kiến trúc Việt. Không khó để kể ra những công trình mang hơi thở mới của thời kỳ hội nhập như cầu Rồng Đà Nẵng của một nhóm kiến trúc sư người Mỹ. Bên cạnh đó, thiết kế Bảo tàng Lịch sử Quốc gia được lựa chọn là của nhóm kiến trúc sư người Nhật, Nhà hát Thăng Long của Hà Nội là thiết kế của kiến trúc sư người Italia... Ngay tại Quảng Ninh, công trình Bảo tàng và Thư viện Quảng Ninh cũng do kiến trúc sư Salvador Pérez Arroyo, người Tây Ban Nha thiết kế.

Bên cạnh những công trình mang tính đột phá kể trên, kiến trúc Việt hiện nay đang vướng phải một sự hỗn loạn mà các nhà quản lý chưa tìm ra giải pháp khống chế. Sự xuất hiện và lây lan đến chóng mặt của các xu hướng từ kiến trúc “chóp”, “nhại cổ”, “nhại kiến trúc Pháp”, kiến trúc “hiện đại”, “hậu hiện đại”, “hiện đại mới” và bây giờ là “kiến trúc xanh”, “kiến trúc bền vững” rồi sắp tới đây là “kiến trúc 4.0”... đang làm các nhà chuyên môn đau đầu.

Những công trình kiến trúc loạn phong cách đã xuất hiện tràn lan theo kiểu phong trào xây dựng những tượng đài, biểu tượng, công trình điểm nhấn đồ sộ, hoành tráng với vốn đầu tư hàng trăm hàng ngàn tỷ đồng, nhưng lạc lõng với văn hóa dân tộc. Kiến trúc nông thôn truyền thống bị đô thị hóa cưỡng bức đang có nguy cơ mất bản sắc, trở thành “nơi chứa rác thải” của văn minh đô thị. Nguy hại ở chỗ, sự lúng túng, mất định hướng trong sáng tác cùng sự yếu kém trong quản lý quy hoạch đô thị đã làm cho bộ mặt kiến trúc nhiều thành phố, đô thị của ta trở nên hỗn độn, na ná nhau, miền núi cũng như miền đồng bằng, trở thành những bản sao 3D vô hồn, xa lạ, không bản sắc.

Kiến trúc Việt trong mắt chuyên gia nước ngoài

Trước thực trạng thiếu ổn định của kiến trúc Việt thời hội nhập, giáo sư kiêm kiến trúc sư người Tây Ban Nha Sanvador Perez Arroyo, một nhân vật nổi tiếng theo trường phái kiến trúc hậu hiện đại, hiện đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tác giả cuốn Cuộc đời thử nghiệm đã chỉ ra “một lỗ hổng” của kiến trúc Việt Nam hiện đại: “Kiến trúc Việt Nam khác với kiến trúc đương đại của châu Âu và Bắc Mỹ có lẽ do thiếu một cơ sở lý luận làm nền tảng. Trong một thế giới toàn cầu hóa, với mạng lưới thông tin vô cùng dễ dàng và thuận tiện cùng sự hiện hữu vô biên của không biết bao nhiêu là hình ảnh, người ta rất dễ sao chép và tái diễn những dự án do người khác đề xuất. Vì lý do này mà vào thời điểm hiện nay, kiến trúc Việt Nam có vẻ đang chìm trong những hình ảnh nhập khẩu từ nước ngoài mà không có một hệ thống tiêu chí rõ ràng”.

Có lẽ vì “tự ái” nên có thể nhiều người không đồng tình với nhận xét thẳng thắn và trực diện của Sanvador Perez Arroyo, nhất là những kiến trúc sư trẻ, nhưng đây chỉ là một góc nhận xét rất nhỏ trong nhiều đánh giá, bình luận sâu sắc và uyên thâm về kiến trúc, về quy hoạch đô thị ở Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới qua gần 300 trang sách của nhà nghiên cứu, kiến trúc sư lừng danh quốc tế.

Đâu là giải pháp?

Trong lúc chúng ta đang loay hoay đi tìm cách lấp đầy “lỗ hổng” thì cuộc sống vẫn cứ phát triển, các tòa nhà thi nhau mọc lên, diện tích đất trống ngày càng bị thu hẹp, cơ hội để các kiến trúc sư “sửa sai” có lẽ ngày càng ít đi. Hiện nay, chung cư đã trở thành giải pháp nhà ở toàn cầu trong cuộc sống hiện đại, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thách thức đặt ra đối với các kiến trúc sư là không được lãng quên giá trị cổ điển. Và ngay lúc này, họ đã tìm ra giải pháp. Cụ thể, xu hướng kiến trúc tân cổ điển trong thiết kế chung cư đã xuất hiện tại Việt Nam. Không chỉ mang lại vẻ thẩm mỹ cho không gian nhà ở, trường phái kiến trúc tân cổ điển luôn tạo cho người nhìn cảm giác sang trọng, có bản sắc riêng biệt. Thiết kế nhà ở theo phong cách tân cổ điển nhấn mạnh vào các bức tường và cột trụ, tối giản về mặt trang trí, không quá màu mè. Mọi chi tiết đều được sắp xếp một cách trật tự, tạo cảm giác thoáng rộng và tinh gọn.

Tại Việt Nam, nhiều người biết đến trường phái kiến trúc tân cổ điển qua những công trình kiến trúc lâu đời đã trở thành biểu tượng như Nhà hát Lớn Hà Nội, khách sạn Sofitel Legend Metropole, Bưu điện Hà Nội,... Những năm gần đây, trường phái kiến trúc này hồi sinh trở lại qua hàng loạt công trình chung cư cao cấp được xây dựng như Vinhomes D.’ Palais Louis - Nguyễn Văn Huyên, Sunshine Riverside, D’LeRoi Solei - Quảng An, Hateco Laroma - Huỳnh Thúc Kháng... Phong cách kiến trúc tân cổ điển đang nhận được sự hưởng ứng khá nồng nhiệt, dẫu vậy, chúng ta không khỏi chạnh lòng khi đó vẫn là phong cách mang đậm hơi hướng châu Âu. Không biết đến bao giờ chúng ta mới có những khu nhà chung cư phong cách Việt? Phải chăng nét đặc trưng của kiến trúc Việt không phù hợp với kết cấu của những ngôi nhà chung cư? Thực trạng này khiến những nhà gìn giữ và bảo tồn văn hóa Việt càng thêm lo lắng.


Việt Sơn
Ý kiến của bạn