Mới đây, nhóm KTS đến từ Việt Nam H&P Architects đã được trao 3 giải Nhất và 1 giải Danh dự tại Giải thưởng Kiến trúc Mỹ (AAP) khi đem đến những công trình chất lượng.
Có thể nói, 2017 là năm thành công của thiết kế kiến trúc Việt. Tại lĩnh vực này, các KTS nổi tiếng của nước ta như Nguyễn Trọng Nghĩa, Hoàng Thúc Hào là những người tiên phong và góp phần giúp lĩnh vực kiến trúc Việt được bạn bè năm châu biết đến nhiều hơn, bởi 2 KTS này liên tục giành các giải thưởng lớn trên trường quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, kiến trúc Việt vẫn còn nhiều KTS tài năng đã, đang góp phần làm cho ngành thiết kế kiến trúc Việt vươn lên tầm cao mới.
Vừa qua, tại Bảo tàng New Museum (New York, Mỹ), nhóm H&P Architects gồm các KTS trẻ tuổi của Việt Nam đã được Ban tổ chức Giải thưởng Kiến trúc Mỹ vinh danh 3 giải Nhất và 1 giải Danh dự khi giới thiệu những công trình thiết kế đầy sáng tạo. Trong đó, công trình Tổ ấm ruộng giành giải Nhất hạng mục Kiến trúc nông nghiệp do các KTS Đoàn Thanh Hà, Trần Ngọc Phương, Chử Kim Thịnh, Nguyễn Hải Huệ, Hồ Mạnh Cường, Trịnh Thị Thanh Huyền, Nguyễn Văn Thịnh thiết kế. Công trình này hoà trộn hai yếu tố đặc trưng của nông thôn Việt Nam là ngôi nhà và ruộng bậc thang tạo nên một tổ ấm với các ranh giới ngoài - trong; trên - dưới; chung - riêng được xóa mờ. Tổ ấm ruộng giúp gợi lên xuất xứ địa phương của người sử dụng trong bối cảnh thế giới phẳng với nhiều loại ô nhiễm đáng báo động như hiện nay, đồng thời thúc đẩy nhân rộng những thửa ruộng trong đô thị nhằm đảm bảo năng lượng cho cuộc sống trong tương lai.
Tổ ấm ruộng – công trình kiến trúc của Việt Nam vừa được trao giải Nhất hạng mục Kiến trúc nông nghiệp Giải thưởng Kiến trúc Mỹ 2017.
Một công trình khác của nhóm H&P Architects giành giải Nhất là Tổ ấm nở hoa do Nguyễn Văn Mạnh, Nguyễn Khánh Hòa, Nguyễn Quỳnh Trang, Trần Quốc Thắng, Nguyễn Khắc Phước... thiết kế. Ý tưởng bản kiến trúc này do biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, Việt Nam nhiều năm trở lại đây chịu nhiều bão lũ, sạt lở đất, thiệt hại nặng nề về người và của. Do đó, giải pháp về chỗ ở và tổ ấm cho người dân phải vật lộn với thiên tai là mục tiêu của các KTS. Từ những thanh tre được mô-đun hóa từng ngôi nhà được lắp dựng theo cách đơn giản (chốt, buộc, treo, gác…), kiến trúc (được neo, giằng, liền khối) đủ sức chống chọi cùng thiên tai, vượt được mực nước lũ cao 1,5m. Không gian này được sử dụng linh hoạt tùy điều kiện cụ thể như nhà ở, giáo dục, y tế, cộng đồng... Tổ ấm nở hoa mong muốn mang lại nụ cười cho người dân trong những hoàn cảnh thiên tai khắc nghiệt nhất, đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển cân bằng sinh thái, gắn kết kiến trúc và văn hóa bản địa cũng như ổn định về kinh tế.
Với giải Danh dự, công trình Không gian thân thiện, các KTS nhóm H&P Architects phát triển dựa trên sự kết hợp của hai vật liệu chính là tre và đất. Công trình là một không gian phục vụ cộng đồng mở, chú trọng vào khía cạnh văn hóa và nghệ thuật (giao lưu, triển lãm, ẩm thực...), mang sứ mệnh gắn kết lại mối quan hệ nhiều sóng gió giữa con người với thiên nhiên trong thời đại hiện nay. Thông qua Không gian thân thiện, các KTS muốn góp phần nâng cao nhận thức xã hội về việc cần thiết có những không gian thân thiện phục vụ cộng đồng trong bối cảnh quá trình đô thị hóa và bê tông hóa tại những khu đông dân cư tại Việt Nam, từ đó góp phần định hướng hành động của cộng đồng trong tiến trình tạo lập những không gian bền vững cho tương lai bắt đầu từ sự thân thiện của hôm nay.
Trước đó, tháng 5/2017, các công trình của KTS Hoàng Thúc Hào, Nguyễn Trọng Nghĩa đã vượt qua 700 công trình của các nước trong khu vực để nhận về các giải thưởng danh giá tại giải thưởng Kiến trúc châu Á Arcasia Awards 2017 tổ chức ở Ấn Độ. KTS Nguyễn Trọng Nghĩa được trao giải Vàng hạng mục công trình thương mại và công trình bền vững với thiết kế nhà hàng đá Sơn La. Công trình kiến trúc của KTS Võ Trọng Nghĩa sử dụng vật liệu chính là đá xẻ, tre, luồng, vọt là những vật liệu tự nhiên sẵn có tại địa phương. Ngoài ra, nhà hàng đá Sơn La được tổ hợp từ 8 blocks cao thấp khác nhau tạo nên không gian chung thoáng đãng và không gian riêng tư ấm cúng với những hướng nhìn tới các khu vườn thiên nhiên. Không gian mỗi block của nhà hàng chính là nơi giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng theo từng nhóm nhỏ, qua ẩm thực và chén rượu dân tộc của người dân Sơn La.
Với công trình trường học Lũng Luông, KTS Hoàng Thúc Hào nhận giải Vàng hạng mục “Trách nhiệm xã hội”. Trường học Lũng Luông được đánh giá là tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo, được thể hiện bằng vật liệu địa phương như tre nứa và đất... nhưng vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về trường học như chiếu sáng, thông gió, cách âm. Không gian được tổ chức linh hoạt thành các lớp trong - ngoài, rỗng - đặc, không gian tĩnh - không gian động giữa các khối với nhau. Ngôi trường Lũng Luông như một bông hoa rừng với màu sắc sinh động, có hiệu ứng thị giác mạnh... với mọi người.