Kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội và bài toán bảo tồn

19-05-2010 08:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

Các công trình kiến trúc Pháp cổ đã và đang mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp phong phú. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều không gian, công trình kiến trúc kiểu Pháp đã mất đi dáng vẻ ban đầu.

Các công trình kiến trúc Pháp cổ đã và đang mang lại cho Hà Nội một vẻ đẹp phong phú. Tuy nhiên cho đến nay, nhiều không gian, công trình kiến trúc kiểu Pháp đã mất đi dáng vẻ ban đầu.

Kiến trúc Pháp - Một nửa của Hà Nội nghìn năm

Là Thủ đô của Đông Dương trong suốt 80 năm Pháp thuộc, Hà Nội đã trải qua một quá trình thay đổi sâu sắc về diện mạo đô thị để ngày nay trở thành một nhân chứng có giá trị đặc biệt nhờ chất lượng kiến trúc, mật độ và sự đa dạng của không gian đô thị. Các di sản kiến trúc Pháp ở Hà Nội không chỉ có giá trị sử dụng mà còn có giá trị văn hoá, lịch sử, thẩm mỹ... Những biệt thự gia đình nằm trong khuôn viên nhiều cây xanh, những toà công sở bề thế, nghiêm trang theo lối Pháp đã chứng tỏ được sự phù hợp với điều kiện khí hậu của Việt Nam. Thêm nữa, những công trình đó đứng xen lẫn một cách hài hoà với những ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Á Đông và bổ sung lẫn nhau trong các khu phố Pháp đã tạo nên diện mạo đặc trưng của Hà Nội mà GS.KTS. Hoàng Đạo Kính đã gọi chúng là "một nửa của Hà Nội nghìn năm".

Bắt đầu từ năm 1884, sự du nhập của kiến trúc Pháp vào Hà Nội với phương pháp xây dựng đô thị châu Âu, hình thức kiến trúc có quy hoạch và có thiết kế đã trở thành bước ngoặt khi làm thay đổi mô hình đô thị kiểu cũ với những phố cổ không có cây xanh, nhà ống, ngõ nhỏ của Hà Nội. Rồi sự thay đổi trong nguyên liệu xây dựng: những nguyên liệu quen dùng trước đó như tre, nứa, lá, gỗ, ngói không còn được sử dụng nhiều nữa, người ta biết tới xi-măng, cốt thép. Sự thay đổi càng ngày càng đậm nét khi những công trình nguyên mẫu kiểu Pháp được cải tiến dần dần thành những công trình kiểu Pháp có yếu tố Việt Nam (mà sau này giới khoa học gọi là kiểu kiến trúc Đông Dương) tạo nên một nét hoàn toàn riêng biệt cho kiến trúc Hà Nội.

 Biệt thự Pháp cổ ở số 22 Tôn Đản.

Bài toán bảo tồn: Khó

Thực tế, trong số các công trình di sản kiến trúc Pháp còn lại tại Hà Nội, các công trình sử dụng vào mục đích công cộng đang được bảo vệ rất tốt và hầu như giữ nguyên trạng khi mới xây dựng (Nhà hát lớn, Bảo tàng Lịch sử, Bưu điện Bờ Hồ...); Các khu phố Pháp như Chu Văn An, Nguyễn Du, phía Bắc Hồ Thiền Quang giao cho nhà dân cũng được bảo vệ dù mức độ nguyên trạng không được như các công trình công cộng. Sự biến dạng trầm trọng nhất thuộc về các công trình ở khu vực Hàng Ngang, Lý Thường Kiệt, Hàng Bài, Trần Hưng Đạo... do mức độ tập trung dân cư cao, sử dụng vào mục đích thương mại nhiều mà không có sự tái đầu tư.

Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, đến cuối năm 2008, Hà Nội chỉ còn 970 biệt thự thuộc quản lý Nhà nước, nhưng có hơn 80% số biệt thự đã bị biến dạng, một số biệt thự bị bỏ hoang, một số sở hữu chung của nhiều cá nhân gây khó khăn cho việc tu bổ, quản lý, một số bị chia nhỏ để biến thành "nhà tập thể". Trong bối cảnh phát triển đô thị hiện nay, nhiều khu phố kiến trúc Pháp mất đi cảnh quan chuẩn mực trước đó, mất đi những không gian kiểu mẫu đã từng tồn tại trong lịch sử. Điều này dẫn đến nguy cơ Hà Nội sẽ mất đi những khu phố đặc trưng, ghi nhận một giai đoạn phát triển của lịch sử Thủ đô.

Ngay lúc này, Hà Nội cần phải thống kê lại đầy đủ và chi tiết các công trình kiến trúc Pháp còn lại của thành phố, từ đó nghiên cứu các tiêu chí về kiến trúc, cảnh quan, quy hoạch để đưa ra những kế hoạch bảo tồn, phát triển. Những vấn đề đơn giản cần được giải quyết trước và giải quyết dứt điểm như cần đưa ra quy định về màu sắc cho những khu phố kiến trúc Pháp, vấn đề bảng, biển hiệu trước những biệt thự đã được "thương mại hoá" thành cửa hàng. Trong quy hoạch các khu đô thị mới, nên cân nhắc về tình trạng lạm dụng quá nhiều yếu tố kiến trúc Pháp để tổng thể kiến trúc Hà Nội không bị phá vỡ. Việc một số biệt thự bán hoặc giao cho tư nhân cải tạo đúng quy định và sử dụng với chức năng phù hợp (làm nhà hàng, khách sạn, nhà triển lãm) cần được khuyến khích và nhân rộng sẽ góp phần gìn giữ di sản, đồng thời vẫn hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế của nhân dân.

Bài  và  ảnh: Hải Anh


Ý kiến của bạn