Kiến trúc nỗ lực hòa giải với môi trường

15-10-2010 15:10 | Văn hóa – Giải trí
google news

Xu hướng phỏng sinh học trong kiến trúc đương đại phản ánh nỗ lực hòa giải với tự nhiên, thân thiện với môi trường của nhân loại sau một chặng đường dài lãng quên những bầu bạn sinh học trên trái đất nói riêng và trong vũ trụ nói chung.

Xu hướng phỏng sinh học trong kiến trúc đương đại phản ánh nỗ lực hòa giải với tự nhiên, thân thiện với môi trường của nhân loại sau một chặng đường dài lãng quên những bầu bạn sinh học trên trái đất nói riêng và trong vũ trụ nói chung.

 Nhà cá của kiến trúc sư Frank Gehry.

Vincent Callebaut, một kỹ sư trẻ người Pháp đã tạo ra những công trình kiến trúc phỏng sinh học có sức lây lan lớn, tạo thành cơn sốt trong kiến trúc thế giới đầu thế kỷ 21.  Hàng loạt công trình kiến trúc mang kiểu dáng độc đáo, táo bạo, nhiều khi quái dị đã ra đời. Trong 10 công trình được tờ Guardian của Anh bình chọn là công trình ấn tượng thập niên đầu thế kỷ 21 có mấy công trình phỏng sinh học nổi tiếng độc đáo. Đó là Mái vòm thiên niên kỷ và The Gherkin. Mái vòm thiên niên kỷ khánh thành năm 2000 trông giống như một con sứa khổng lồ nổi trên bán đảo Greenwich. 30 St Mary Axe - hay còn có tên gọi là The Gherkin (Quả dưa chuột) - là một tòa nhà chọc trời cao 180m ở London có hình dáng giống quả dưa chuột đứng do kiến trúc sư đoạt giải Pritzker người Anh là Norman Foster thiết kế chính và được Công ty xây dựng Thụy Điển Skanska thi công từ năm 2001 đến năm 2004. Sân vận động quốc gia Bắc Kinh mang hình tổ chim - kết quả hợp tác giữa hãng kiến trúc Thụy Sĩ Herzog & deMeuronn và họa sĩ nổi tiếng người Trung Quốc Ai Weiwei - là một công trình phỏng sinh học thuộc loại độc đáo bậc nhất vì nó không trực tiếp mô phỏng kiểu dáng của các loài động thực vật, mà gián tiếp mô phỏng kiểu dáng của loài chim qua việc thiết kế sân vận động theo hình tổ chim.

 Tòa nhà quả dưa chuột ở London.

Việc bắt chước các kiểu dáng của một loài cây, một loại quả, một loài cầm thú hay xu hướng từ bỏ những kiểu dáng xây dựng truyền thống để sử dụng nhiều đường cong có liên quan nhiều đến cấu trúc sinh học và thế giới tự nhiên chỉ là những biểu hiện bề ngoài của thiện chí quan tâm tới những vấn nạn về môi trường hiện nay. Trong bề sâu, các kiến trúc sư thuộc trường phái phỏng sinh học trên thế giới hiện nay đang hướng tới việc sáng tạo ra những công trình thân thiện môi trường,  trong đó các tính năng về năng lượng cũng như bảo vệ môi trường được tối ưu hóa theo nhiều hướng khác nhau với những giải pháp hết sức bất ngờ, độc đáo và thú vị. Các nhà thiết kế phỏng sinh học còn mở rộng trí tưởng tượng sáng tạo của mình tới những vùng ý tưởng sinh học và môi trường có tính trừu tượng và khái quát. Chẳng hạn, kiến trúc sư Daniel Libeskind - người vừa giành giải thưởng Masterplan (giải Nhất) trong cuộc thi thiết kế lại Trung tâm thương mại thế giới ở thành phố New York khi thiết kế công trình Tòa nhà Ascent ở gần cầu Roebling, bang Cincinnati, Mỹ với mái nhà hình trăng lưỡi liềm đã xuất phát từ ý tưởng biến công trình kiến trúc thành tấm gương phản ánh trời và đất của khu vực thành phố xung quanh nó, giúp cho khách tham quan tòa nhà có tầm nhìn rộng tới toàn cảnh thành phố. Công trình Nhà Serpentine được khánh thành tại Trung tâm nghệ thuật Serpentine trong vườn Kensington, London do kiến trúc sư nổi tiếng người Nhật Toyo Ito thiết kế năm 2002 được xem là một gợi ý cho nghệ thuật kiến trúc của tương lai, trong đó ranh giới giữa các bức tường, sàn nhà, trần nhà, nội và ngoại thất có thể được xoá bỏ để tạo nên sự liên thông không gian mang tầm vóc của tự nhiên. Công trình Khách sạn Đài thiên văn Nam Âu ở sa mạc Atacama Chile được khánh thành năm được coi là sự kết hợp hoàn hảo giữa kiến trúc và phong cảnh. Tòa nhà Anti-Smog ở Paris đã được Vincent Callebaut thiết kế như là một tòa nhà có khả năng hấp thụ và tái chế khí thải và khói bụi độc hại từ tình trạng giao thông kinh khủng của Paris và giúp du khách có thể đứng từ đây ngắm nhiều cảnh đẹp của Paris.

KTS Trần Cương


Ý kiến của bạn