Kiên quyết thu hồi tài sản tham nhũng

01-06-2018 08:16 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo báo cáo trả lời kiến nghị cử tri vừa được Thanh tra Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, năm 2017, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng không đạt chỉ tiêu 60% như trong Nghị quyết 111/2015 của Quốc hội.

Trong khi đó thiệt hại trong các vụ án tham nhũng lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Điều này cho thấy công tác thu hồi tài sản tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là  1 trong những nội dung được cử tri và nhân dân đặc biệt quan tâm khi lấy ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) và sẽ được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp này.

Xung quanh vấn đề này, theo các chuyên gia về luật, kết quả thu hồi tài sản tham nhũng không đạt chỉ tiêu trong nghị quyết Quốc hội vì thanh tra các vụ án không kịp thời, nhiều vụ giải quyết thu hồi tài sản không đồng bộ, kịp thời, bởi từ khi khởi tố đến khi bị bắt thì đối tượng tham nhũng có thời gian tẩu tán tài sản.

Theo báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng, năm 2017, các vụ án, vụ việc tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỉ đồng và 77.057m2 đất; tuy nhiên, chỉ mới thu hồi được gần 330 tỉ, 314.000 USD và 3.700m2 đất. Đồng thời, kê biên 5 bất động sản; 3 ô tô và dây chuyền trị giá 1,6 triệu USD. Trong khi đó, con số thu hồi tài sản tham nhũng vào năm 2016 cũng chỉ đạt 38,3%.

Tổng kết 10 năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện trên 59 nghìn tỷ đồng, 400 ha đất, nhưng tỷ lệ thu hồi chỉ đạt được 7,82% về tiền và tài sản, 54,75% về đất.

Trước những hạn chế này, Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) hiện đang được thảo luận, cho ý kiến, trong đó sửa đổi, bổ sung 1 số quy định mới về xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng. Nhiều ý kiến cho rằng việc xử lý tài sản liên quan đến tham nhũng là vấn đề khó nhất. Vì thế, để thực hiện được mục tiêu triệt để thu hồi tài sản tham nhũng thì chúng ta phải vận dụng cơ chế quản lý của cơ quan chức năng và nhân dân giám sát, cơ chế này phải được vận dụng với cơ chế kiểm soát quyền lực. Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi tới đây phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu, trong đó có quản lý tài sản cán bộ. Cũng với đó nâng cao vai trò của việc giám sát, đảm bảo quyền tố cáo của nhân dân song song với việc phải có cơ chế bảo vệ người tố cáo.

Cũng theo các chuyên gia về luật, muốn thu hồi tài sản do tham nhũng mà có thì trước hết việc kê khai tài sản phải làm cho tốt, cái gốc phải kê khai tài sản trung thực, không trung thực thì chính là tình tiết tăng nặng đối với người kê khai, tiếp theo, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh thì các cơ quan tư pháp, thanh tra, viện kiểm sát phải có trách nhiệm trong việc phát hiện, nhận thông tin về hiện tượng tham nhũng, việc khởi tố vụ án phải kiên quyết, xử lý nghiêm nhằm mang tính răn đe với những đối tượng có ý định tham nhũng.


Hải Vũ
Ý kiến của bạn