Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về KT-XH, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh. Bối cảnh tương lai cho thấy vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển. Các trường đào tạo nhân lực y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay. Cụ thể, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên…
Đại biểu đề nghị, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe. Kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện. Quy trình các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026. Đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Ngoài ra, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Đại biểu nhấn mạnh, cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế. Từ đó đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế.
Đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn
Trong khi đó, ĐBQH Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu quan điểm, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện KT-XH của đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đai biểu cho rằng, nghị quyết được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho việc phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển KT-XH, đạt nhiều kết quả tích cực, đưa nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm để triển khai thực hiện Nghị quyết về phục hồi, phát triển KT-XH. Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời gian thực hiện không đạt hoặc là đạt, hiệu quả chưa cao. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết....
Theo đại biểu, cần đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện các chính sách tiền tệ về kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đặc thù cũng như số vốn đã giải ngân trong lĩnh vực y tế.