Kiên quyết giảm thời gian chờ khám của người dân

24-08-2018 7:15 AM | Tin nóng y tế

SKĐS - “Giám đốc cơ sở khám, chữa bệnh và người trực tiếp chỉ định phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra các trường hợp chỉ định sử dụng dịch vụ kỹ thuật, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, kéo dài thời gian điều trị nội trú không đúng theo các quy định về chuyên môn y tế” - đây là một trong những nội dung được thể hiện tại Chỉ thị số 847/CT- BYT về các giải pháp để bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế khi thực hiện điều chỉnh giá khám chữa bệnh (KCB) do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký ban hành.

Truyền thông, vận động người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám buổi sáng

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố, các cơ sở KCB trong toàn quốc thực hiện nghiêm túc các giải pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng dịch vụ khi thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ KCB. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế bố trí, điều tiết nhân lực và các buồng khám phù hợp với nhu cầu khám bệnh của người dân. Đặc biệt là vào các thời điểm cao điểm để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Bác sĩ và nhân viên y tế có đủ thời gian để khám, tư vấn cho người bệnh.

Đối với việc khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú cho người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, theo yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Y tế, các cơ sở y tế tuyến trên phải tuyên truyền, giải thích, tư vấn và chuyển người bệnh về tuyến y tế cơ sở để theo dõi, quản lý, cấp phát thuốc. Các đơn vị y tế tuyến cơ sở phải báo cáo Sở Y tế để bảo đảm đủ thuốc, tăng cường đào tạo, tập huấn về chuyên môn để y tế cơ sở thực hiện việc theo dõi, quản lý, điều trị đối với các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính theo phân tuyến.

Đồng thời, các cơ sở y tế tiếp tục thực hiện nghiêm và đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải tiến quy trình khám bệnh, giảm thủ tục hành chính và giảm thời gian chờ khám bệnh.

Kiên quyết giảm thời gian chờ khám của người dânTriển khai nhiều giải pháp giúp giảm thời gian chờ KCB của người dân.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các BV phải tăng cường công tác truyền thông, vận động để người dân thay đổi thói quen chỉ đến khám vào buổi sáng. Đối với người mắc bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính trong trường hợp chỉ đến khám để cấp thuốc hoặc cho đơn thuốc, không phải thực hiện xét nghiệm cần hướng dẫn và hẹn khám vào buổi chiều để giảm áp lực khám vào buổi sáng tại BV.

“Đồng thời các BV tuyến trên phải tập trung khám, chữa các bệnh theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật, các bệnh mà tuyến dưới không thực hiện được; phải tuyên truyền, vận động, tư vấn để các trường hợp đến khám, kiểm tra sức khỏe nhưng không cần điều trị hoặc tái khám ở BV tuyến trên thì đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến dưới, nhất là tuyến y tế cơ sở để vừa bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT, vừa giảm tải cho các BV tuyến trên” - Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế nêu rõ.

Tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày

Đối với việc chỉ định sử dụng dịch vụ, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú, Bộ trưởng yêu cầu giám đốc các cơ sở KCB phải tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm, đúng các quy định chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ cận lâm sàng; tăng cường điều trị ngoại trú, điều trị ban ngày, chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú theo đúng quy định; nâng cao chất lượng điều trị để giảm thời gian điều trị nội trú của người bệnh.

Các cơ sở KCB thực hiện nghiêm các giải pháp giảm quá tải, trường hợp quá tải phải chuyển người bệnh xuống tuyến dưới, sang các cơ sở KCB khác trên địa bàn. Chỉ được kê thêm giường để người bệnh không phải nằm ghép đối với trường hợp thực sự quá tải. Không kê thêm giường bệnh trong trường hợp không sử dụng hết số giường theo kế hoạch được giao.

Thực hiện đúng quy định về danh mục, tỷ lệ, điều kiện thanh toán đối với dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT theo quy định tại Thông tư 35/2016/TT-BYT của Bộ Y tế. Tăng cường và thường xuyên kiểm tra để tránh các trường hợp áp dụng sai mức giá dịch vụ, giá thuốc, vật tư y tế, tính sai số ngày điều trị nội trú...

Các cơ sở y tế cũng phải chú trọng công tác dinh dưỡng, tiết chế, kiểm soát nhiễm khuẩn, giặt là đồ vải trong bệnh viện; kiện toàn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng Thuốc và Điều trị của BV; tăng cường kiểm tra việc kê đơn, bình bệnh án, tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, quy trình kỹ thuật, quy trình chăm sóc người bệnh; phòng ngừa và giảm thiểu các tai biến, sự cố y khoa...


Thái Bình
Ý kiến của bạn