Kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng

08-06-2014 21:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tình hình Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cả nước đều hướng về biển đảo thân yêu,

Trước tình hình Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cả nước đều hướng về biển đảo thân yêu, lên án mạnh mẽ những hành động hung hăng, ngang ngược của phía Trung Quốc. Trao đổi về vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) - Phó Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh của Quốc hội, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. Hồ Chí Minh) đã có những chia sẻ với phóng viên báo SK&ĐS về những diễn biến trên biển Đông cũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền của chúng ta.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) phát biểu tại Quốc hội.

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về tình hình biển Đông hiện nay, chúng ta cần làm gì để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông, thưa ông?

ĐB Lê Như Tiến: Tình hình biển Đông đã được thông tin hàng ngày nhưng xâu chuỗi lại các sự kiện từ việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò trên biển Đông đến việc uy hiếp khủng bố đe dọa, thậm chí dùng vũ lực đối với ngư dân Việt Nam đang đánh bắt hải sản trên ngư trường của chính Việt Nam, thu giữ ngư cụ, đổ hải sản xuống biển, cho đến việc cắt cáp tàu Bình Minh và trắng trợn hơn là hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cho thấy, đây là một âm mưu có chủ đích và đã có từ lâu của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông. Đặc biệt, việc Trung Quốc đã dùng tàu lớn đâm vào tàu cá của ngư dân Việt Nam làm chìm tàu và nhiều người bị thương trong những ngày qua là những hành động dùng vũ lực trắng trợn, vô cùng nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng ngư dân.

Để bảo vệ chủ quyền biển đảo, theo tôi có nhiều cách. Đầu tiên là quyết tâm của toàn dân tộc, sức mạnh nội lực của chúng ta. Tiếp nữa, các lực lượng trực tiếp là Cảnh sát biển, Kiểm ngư kiên trì đấu tranh với Trung Quốc và hơn ai hết chính là những ngư dân bằng hoạt động đánh bắt cá có mặt tại biển Đông, vừa khai thác hải sản tại ngư trường vừa bảo vệ gìn giữ lãnh hải của chúng ta. Đồng thời, chúng ta huy động sức mạnh quốc tế qua việc thông báo chính thức với Liên hợp quốc, tổ chức các cuộc họp báo quốc tế để nói với thế giới rằng, Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Hải Dương - 981 cùng với lực lượng hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

PV: Liệu có phải những phản ứng của chúng ta chưa đủ mạnh khiến cho những hành động của Trung Quốc trên biển Đông thời gian qua ngày càng ngang ngược lấn tới?

ĐB Lê Như Tiến: Tôi không cho là vậy, các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư của ta đã trực tiếp đối đấu với các tàu Trung Quốc và chúng ta đã lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, quan điểm từ đầu đến cuối của chúng ta là không tạo nên căng thẳng ở biển Đông để Trung Quốc lợi dụng làm cho tình hình biển Đông phức tạp thêm. Chúng ta không chủ động tạo ra những tình huống phức tạp nhưng nếu chúng ta lùi thì Trung Quốc càng lấn tới. Cho nên, nếu chúng ta đã có đầy đủ các điều kiện pháp lý, củng cố hồ sơ pháp lý thì chúng ta có thể kiện ra Tòa án quốc tế, thông báo và gửi các văn bản chính thức lên LHQ để LHQ biết rằng vùng biển của ta đang bị Trung Quốc xâm phạm. Thông qua con đường ngoại giao, nguyên thủ và lãnh đạo của ta cũng đã điện đàm với lãnh đạo nhiều nước để họ hiểu và ủng hộ Việt Nam trong vấn đề này.

PV: Ngoài việc thể hiện thái độ phản đối, ông có nghĩ rằng cần có những hành động nào khác trong tình hình hiện nay để hỗ trợ cho cuộc đấu tranh trên biển Đông?

ĐB Lê Như Tiến: Với tư cách ĐBQH, tôi cho rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục phản đối mạnh mẽ hơn nữa bằng nhiều hình thức, bằng những phát biểu chính thức của mình trên các diễn đàn, phương tiện thông tin đại chúng. Các hiệp hội, tổ chức xã hội, MTTQ, Tổng LĐLĐ, các ngành, các giới khác nhau cùng lên tiếng, thông qua các tổ chức tương ứng của Trung Quốc và các nước trên thế giới để phản đối Trung Quốc và ủng hộ Việt Nam. Về mặt bảo vệ chủ quyền, hơn lúc nào hết, giờ là lúc chúng ta phải tăng cường tiềm lực, hỗ trợ về cơ sở vật chất và con người, đặc biệt cho các lực lượng ở biển như Cảnh sát biển, Kiểm ngư, Hải quân, các chiến sĩ đang canh giữ các đảo tiền tiêu của Tổ quốc; phải đầu tư nhiều hơn cho ngư dân đóng những con tàu lớn. Chúng ta cần có nhiều biện pháp tổng lực khác nhau và giới truyền thông là lực lượng rất mạnh, cần phải nói cho dư luận và thế giới biết về chính nghĩa của Việt Nam trên biển Đông, giới truyền thông cũng góp phần để đoàn kết toàn thể người dân Việt Nam.

PV: Tại kỳ họp này, Quốc hội đã ra thông cáo mạnh mẽ về tình hình biển Đông. Là một ĐBQH, ông sẽ chuyển tải những thông tin gì về tình hình biển Đông để cử tri và người dân hiểu rõ, thưa ông?

ĐB Lê Như Tiến: Chắc chắn cử tri sẽ rất quan tâm đến tình hình, diễn biến trên biển Đông cũng như những phản ứng, đặt vấn đề Quốc hội phản ứng ra sao với vấn đề biển Đông. Chúng ta phải thông tin cho cử tri toàn bộ tình hình, diễn biến, những đối sách, phản ứng của chúng ta về tình hình biển Đông nhưng chúng ta là một quốc gia tôn trọng hòa bình, hòa hiếu nên phải hành xử một cách hòa bình, văn minh nhân ái chứ chúng ta không chủ trương dùng vũ lực để giải quyết các vấn đề biển Đông.

Anh Tuấn - Văn Hậu (Thực hiện)

ĐB Trần Đình Nhã (đoàn Thừa Thiên Huế) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội: Việt Nam nhất quán trong đường lối đấu tranh với Trung Quốc\

 

Có thể nói, mọi hành động của phía Trung Quốc đều đã có sự tính toán chi tiết. Phía Việt Nam rất nhất quán trong đường lối đấu tranh với Trung Quốc. Còn việc họ dịch chuyển giàn khoan chỗ này hay chỗ kia cũng đều nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam, vẫn gây khó khăn và căng thẳng cho ta. Chúng ta vẫn không thay đổi biện pháp đấu tranh, vẫn yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Còn có rất nhiều phương án đã được lên kế hoạch rồi, nhưng vẫn tùy vào thái độ và sự hành xử của Trung Quốc.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM): Cần phải hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh phức tạp, cam go, do vậy không thể tiến hành đơn độc

 

Chúng ta có cơ sở pháp lý và chính nghĩa, nhưng cuộc đấu tranh pháp lý này không thể tiến hành đơn độc. Cùng với nó, chúng ta phải đấu tranh bằng ngoại giao, tác động đến công luận quốc tế để công luận quốc tế thừa nhận chính nghĩa của Việt Nam. Đây còn là cuộc đấu tranh của cả dân tộc Việt Nam, chúng ta phải củng cố về kinh tế, quốc phòng, nhân dân chúng ta phải đồng tâm nhất trí. Điều đó có nghĩa, ngay cả khi có chính nghĩa, có cơ sở pháp lý, có luận cứ vững chắc trong việc kiện Trung Quốc, chúng ta phải hiểu rằng đây là cuộc đấu tranh phức tạp, gay go, đòi hỏi phải khôn ngoan, có kỹ năng, đồng thời phải có những biện pháp tổng hợp của nhiều cuộc đấu tranh khác.

 


Ý kiến của bạn