Tại Hội nghị trực tuyến "Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững", đại diện cho các Bệnh viện tuyến TW, Giám đốc BV Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức đã đề cập đến những khó khăn, thực tiễn đang xảy ra tại các bệnh viện, các cơ sở y tế thời gian qua.
Khó khăn trong đấu thầu mua sắm và liên doanh liên kết
Cụ thể, về đấu thầu mua sắm thuốc, hiện nay các bệnh viện đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xây dựng giá dự toán. Giá dự toán chỉ tính được khi lập kế hoạch đấu thầu. Nếu theo Thông tư 58/ TT- BTC năm 2016 của Bộ Tài chính sau khi phê duyệt giá dự toán mua sắm rồi mới lập kế hoạch đấu thầu thì các bệnh viện không thể làm được.
Trong thực tế, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt có nhiều đặc tính kỹ thuật khác nhau, được phân chia nhiều nhóm khác nhau theo Thông tư 15/2019/TT-BYT, mỗi nhóm kỹ thuật có đơn giá khác nhau. Vì vậy, phải đến giai đoạn xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu mua sắm thì mới xác định được nhóm kỹ thuật của thuốc phù hợp với nhu cầu điều trị, giai đoạn này bệnh viện mới xác định được đơn giá của thuốc, vật tư y tế, hóa chất theo từng nhóm kỹ thuật. Như vậy việc phê duyệt giá dự toán mua sắm thuốc không thể thực hiện được.
"Vì vậy kiến nghị ở giai đoạn lập dự toán mua sắm không bắt buộc phải xây dựng đơn giá chi tiết theo từng dấu kỹ thuật hoặc nên bổ sung vào Thông tư hướng dẫn xác định dự toán mua sắm thuốc cho phép các bệnh viện được xây dựng đơn giá dự toán theo dấu kỹ thuật bằng với giá bình quân mua sắm năm trước liền kề, hoặc sử dụng giá bình quân của các báo giá được xác lập trong giai đoạn xây dựng toán mua sắm"- Giám đốc BV Chợ Rẫy nói.
Cũng theo Lãnh đạo BV Chợ Rẫy, các loại thuốc hiếm và thuốc nhập theo hạn ngạch, vừa qua gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn cung. Đối với những loại thuốc này, Bộ Y tế nên đưa vào mua sắm tập trung hoặc cho phép chỉ định thầu rút gọn hoặc lập kho dự trữ quốc gia điều phối cho các tỉnh, thành phố.
Về đấu thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm
Các bệnh viện và cơ sở y tế đang gặp rất nhiều khó khăn tại Khoản 2, Điều 11, Thông tư 58/TT-BTC năm 2016 của Bộ Tài chính. Đó là yêu cầu phải đầy đủ 3 đặc tố giá thì mới xây dựng kế hoạch mua sắm được.
Đối với yêu cầu 03 báo giá: Trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm là loại hàng hóa mang tính đặc thù của ngành y tế, một số loại được phân phối độc quyền từ các nhà cung cấp hoặc chỉ có 1 nhà cung cấp trên địa bàn, việc thu thập đủ 03 bảng báo giá theo quy định để xác lập giá kế hoạch khó thực hiện được. Thời gian qua có một số trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao bệnh viện đăng công khai thông tin mời chào giá nhiều lần nhưng vẫn không có đủ 03 báo giá, có loại thì chỉ có 2 báo giá có loại thì chỉ có 01 báo giá.
Vì vậy kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo và Bộ Tài chính hướng dẫn lại vì điều này không cần thiết và không khả thi.
Về việc quy định xác lập giá kế hoạch phải tham khảo trong vòng từ 2 tháng trên Cổng Thông tin, các bệnh viện đang gặp khó khăn khi các website công khai kết quả đấu thầu gồm 2 website chính là website mua sắm công và website công khai kết quả đấu thầu.
Khi các đơn vị đăng công khai kết quả đấu thầu thường không đăng chi tiết các tính năng kỹ thuật mà đăng chung chung. Do đó, để xây dựng cấu hình tính năng kỹ thuật khác nhau ở các đơn vị, chỉ dựa vào thông tin đó thì không thể nào lập được giá sát thực tế.
Nhưng nếu không sát thực tế thì các cơ quan chức năng sẽ quy vì sao cùng chủng loại mà bệnh viện này mua giá cao mà bệnh viện khác mua giá thấp. Thực tế, bệnh viện mua giá cao thì máy có nhiều chức năng trong khi máy mua giá thấp có ít chức năng. Điều này gây khó khăn cho các bệnh viện trong xây dựng kế hoạch.
Thực tế hoạt động cho thấy, các hàng hoá phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân rất đa dạng về chủng loại, xuất xứ, chất lượng và kèm theo đó là giá cả sẽ tương đương. Do đó, nếu chỉ cho phép chọn giá rẻ nhất khi mua sắm sẽ khó có hàng hoá tốt, phù hợp với mô hình, tính chất bệnh tật của từng bệnh viện để phục vụ người bệnh.
"Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1 đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt", BSCK II Nguyễn Tri Thức chia sẻ nỗi bức xúc của các bác sĩ tại bệnh viện này.
Vì vậy kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế quy định rõ thứ tự ưu tiên trong việc sử dụng thông tin về giá để xây dựng giá kế hoạch. Hai website này hoạt động chưa trôi chảy nên các cơ sở y tế muốn tham khảo, tra cứu có những lúc phải mở 18 cửa sổ mới có đầy đủ thông tin, gây mất thời gian cho các cơ sở.
Đối với hàng hóa nhập khẩu
Giám đốc BV Chợ Rẫy kiến nghị bổ sung điều chỉnh yêu cầu cụ thể việc thông tin giá nhập khẩu là công khai. Kiến nghị các Bộ, ngành cần hướng dẫn cụ thể hơn việc kê khai, công khai giá trang thiết bị y tế, vật tư y tế, hóa chất từ khi nhập vào Việt Nam, để đảm bảo giá trị thực để các cơ sở y tế yên tâm xây dựng giá gói thầu (hiện tại các bệnh viện đang rất lúng túng trong việc mua các hàng hóa nhập khẩu vì không có cơ sở pháp lý cho phép được mua chênh lệch giá là bao nhiêu lần và hàng hóa nhập khẩu đó được phép phân phối qua bao nhiêu cấp trung gian).
Việc mua sắm hàng hóa, hóa chất, vật tư đều xoay quanh giá, các cơ sở y tế đều vướng. Vì vậy, kiến nghị giá mua sắm trong y tế không nên chọn giá thấp nhất mà cần quy định rõ chọn giá hợp lý nhất phù hợp với điều kiện của từng cơ sở, từng chuyên khoa…; quy định rõ các bước, các hội đồng có quyền xác định nhu cầu thực tế là phù hợp.
Giám đốc BV Chợ Rẫy kiến nghị cho phép các bệnh viện từ hạng 1 đến hạng đặc biệt được phép lựa chọn nhà sản xuất để mua sắm thiết bị y tế phù hợp với các bệnh chuyên sâu. Vì các thương hiệu lớn thường mới có máy tốt phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Hiện giờ nếu đấu thầu tên chung chung thì các thiết bị trúng thầu sẽ không phục vụ được nhu cầu của các bệnh viện hạng 1 và mua về không sử dụng được sẽ gây lãng phí.
Theo Giám đốc BV Chợ Rẫy: Trong luật cho phép chỉ định thầu trong trường hợp 'cấp bách' nhưng không quy định như thế nào là cấp bách và ai là người quyết định trường hợp này là 'cấp bách' của bệnh viện đó. Do đó kiến nghị nên có những quy định rõ thế nào là cấp bách trong y khoa của một đơn vị, ai là người được phép xác định bệnh viện đang ở trong tình huống cấp bách.
Về đấu thầu trong dịch vụ sửa chữa, bảo trì các thiết bị y tế
Theo ông Nguyễn Tri Thức, hiện chưa có một quy định nào cho nội dung này. Về đấu thầu phục vụ cho công tác hoạt động bệnh viện trong thời điểm dịch COVID-19, như các công ty vệ sinh công nghiệp, cung cấp suất ăn, giặt là và các dịch vụ hậu cần khác, có những đơn vị hết thầu đúng giai đoạn cao điểm dịch thì không thể thực hiện thầu được. Vì vậy, kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép gia hạn thời hạn đối với những hợp đồng thầu trên.
Về đấu thầu các máy xét nghiệm
Hiện nay các máy xét nghiệm hiện đại đa phần đều có hóa chất tương thích với máy, nếu sử dụng hóa chất khác thì không sử dụng được. Kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế cho phép chấp nhận hình thức máy đặt, máy mượn, đấu thầu hóa chất và giá của các hóa chất này do Bộ Y tế quản lý bán hoặc đấu thầu tập trung quốc gia.
Trong liên doanh liên kết xã hội hóa y tế, hiện hình thức này gần như dừng lại và thực hiện theo Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Khó khăn là xác định giá tài sản, ví dụ xác định diện tích đất sử dụng trong liên doanh liên kết và thương hiệu bệnh viện không thể nào làm được và không có bệnh viện nào làm được.
Nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Kiến nghị các Bộ, Ngành nhanh chóng thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Cần thiết điều chỉnh phụ cấp cho nhân viên y tế
Về chế độ chính sách cho nhân viên y tế còn chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật...
"Chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi phù hợp với thực tế hiện nay như phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo quyết định 73 đã hơn 10 năm, đến nay mức chi phụ cấp này đã không còn phù hợp", ông Thức nói.
Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng Đặc biệt.
Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính. "Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của người bác sĩ", ông Thức nói và kiến nghị cần thiết điều chỉnh các mức phụ cấp cho người lao động theo hướng tăng phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.