Hà Nội

Kiến nghị tăng mức thuế đối với mặt hàng túi ni lông

04-09-2019 06:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Nhằm hạn chế sử dụng túi ni lông, cơ quan Hải quan và cơ quan Thuế TP HCM kiến nghị cần đánh giá lại Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) xem xét tăng mức thuế đối với mặt hàng túi ni lông.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho rằng, mặt hàng túi nylon là mặt hàng không thiết yếu và có ảnh hưởng xấu đến môi trường, cần hạn chế ở mức thấp nhất việc nhập khẩu và sản xuất đối với mặt hàng này. Vì vậy, cần xem xét tăng mức thuế đối với mặt hàng này cao hơn mức áp dụng hiện nay (50.000 đồng/kg).

Cùng với đó, Cục Hải quan TP kiến nghị, Luật thuế BVMT được ban hành từ năm 2010, đến nay đã qua 9 năm thực hiện, cần tổng kết đánh giá quá trình thực hiện, chỉ rõ các hạn chế, trên cơ sở đó sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn hiện nay. Đối với mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đề nghị đánh thuế BVMT thật cao hoặc quy định nhập khẩu có điều kiện để cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm tra, cấp phép.

Trong khi đó, Cục Thuế TP phân tích, Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định mức thuế cụ thể, hiện hành đối với túi nylon là 40.000 đồng/kg, tương đương khoảng 200% giá bán hiện hành, nghĩa là thuế bảo vệ môi trường chỉ thu khoảng 200 - 400 đồng/túi. Nếu tăng mức thuế BVMT đối với túi ni lông lên mức trên 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ tương đương 250-500 đồng/túi.

Kiến nghị xem xét tăng mức thuế đối với mặt hàng túi ni lông. (Ảnh minh họa)

Theo Cục Thuế TP, khung và mức thuế BVMT đối với túi ni lông của Việt Nam thấp so với các nước trên thế giới nên chưa có tác động nhiều tới việc hạn chế sản xuất, sử dụng túi ni lông. Do đó, để phù hợp với thông lệ quốc tế, kiến nghị cần nghiên cứu điều chỉnh khung thuế BVMT đối với túi ni lông nhằm giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy.

Hai đơn vị này kiến nghị, có thể tăng lên 50.000 đồng/kg hoặc hơn. Ngoài ra, để giảm dần việc sử dụng nhựa khó phân hủy trong tiêu dùng, gây tác động xấu đến môi trường, bổ sung các sản phẩm bao bì đóng gói sẵn hàng hóa, màng ni lông, tấm ni lông, dải ni lông, cuộn ni lông dạng ống được làm từ màng nhựa polyetylen vào đối tượng chịu thuế tương tự như túi, bao bì ni lông.

Túi ni lông: Hiểm họa gây ô nhiễm môi trường

Việc sử dụng túi nilon khó phân hủy đã đến mức báo động ở Việt Nam, đặc biệt là tại các đô thị lớn. Dường như thuế bảo vệ môi trường với sản xuất túi nilon không hiệu quả, có ý kiến đề xuất rằng nên cấm triệt để việc sử dụng túi ni lông.

Tình trạng sử dụng túi nilon một cách dễ dãi, không kiểm soát, không chỉ gây lãng phí mà còn tạo áp lực lớn cho công tác thu gom, xử lý rác thải và ảnh hưởng nặng nề, lâu dài tới môi trường đô thị.

Với đặc tính bền vững trong tự nhiên, túi ni lông cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/một ngày bao gồm cả túi to, túi nhỏ và những túi siêu nhỏ... như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày.

Chỉ riêng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Mỗi ngày Hà Nội thải ra từ 4.000 đến 5.000 tấn rác, trong đó rác thải nilon chiếm đến 7 - 8%. Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 5 - 9 triệu túi nilon/ngày từ các hộ dân. Đáng chú ý là lượng túi ni lông này tăng theo từng năm.

Các nhà khoa học cho biết, trong môi trường tự nhiên, túi nilon cần vài trăm năm đến một nghìn năm mới phân hủy hết. Nếu không được thu hồi hoặc chôn lấp, túi nilon sẽ gây ô nhiễm đất và nước, từ đó sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người, còn khi đốt chúng sẽ tạo ra khí thải có chất độc dioxin và furan gây ngộ độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch…

Mặc dù gây hại cho cả môi trường và sức khỏe con người nhưng ý thức, thói quen dùng túi ni lông của người tiêu dùng chưa có sự cải thiện. Dường như, việc sử dụng túi ni lông đã ăn sâu vào thói quen của người tiêu dùng Việt Nam.

Do vậy, để giảm thiểu túi nilon, song song với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và tăng cường các giải pháp tiết giảm, tái chế, tái sử dụng tại nguồn, cần phổ biến rộng rãi các loại túi thân thiện với môi trường cho người dân. Từ đây, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, tiến tới mọi người cùng nói không với túi ni lông.

 

 

 


L. Mai
Ý kiến của bạn