Ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội vận tải hành khách công cộng TP Hà Nội (HAPTA) vừa có văn bản kiến nghị tới Bộ GTVT, UBND TP Hà Nội và các đơn vị liên quan về một số nội dung gồm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng (VTHKCC); phát triển VTHKCC và xem xét, sửa đổi bổ sung Luật Giao thông Đường bộ.
Theo đó, HAPTA kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở GTVT Hà Nội xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng, doanh thu để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp hiện đang phải chịu suy giảm sản lượng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tăng tần suất trên tất cả các tuyến VTHKCC, tạo thêm công ăn, việc làm để cải thiện thu nhập cho người lao động.
Cùng đó, kiên trì với chủ trương ưu tiên phát triển VTHKCC, đảm bảo cho người dân được thuận tiện, tiếp cận an toàn và di chuyển bằng xe công cộng nhanh hơn phương tiện cá nhân.
Đáng chú ý, Chủ tịch HAPTA kiến nghị TP cần tiếp tục duy trì đường dành riêng, tăng tần suất cho tuyến buýt BRT và đẩy mạnh các chế tài xử lý, chống các phương tiện khác chiếm dụng làn đường đang diễn ra khá phổ biến như hiện nay nhằm nâng cao năng lực phục vụ.
Đồng thời, tiếp tục phát triển làn đường dành riêng cho xe buýt. Sớm có kế hoạch triển khai 14 tuyến đường dành riêng để khai thác hiệu quả, nâng cao khả năng phục vụ của xe buýt bằng tốc độ xe chạy.
Với các tuyến buýt, BRT, metro, cần tổ chức hệ thống giao thông tiếp cận một cách thuận tiện, an toàn và phải được một tổ chức trực thuộc TP quản lý, vận hành, khai thác.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội vừa đề xuất TP Hà Nội cho phép các phương tiện gồm: Xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường đi chung vào làn BRT để giảm thiểu ùn tắc giao thông trên tuyến.
Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho biết: Vừa qua, Viện Kinh tế - Xã hội đã có khảo sát tổng thể về hoạt động của xe buýt BRT và đề xuất vào giờ thấp điểm (từ 22 giờ - 5 giờ), nên cho các phương tiện khác chạy vào làn BRT để tránh lãng phí.
Còn Sở GTVT báo cáo UBND TP xin ý kiến tổ chức giao thông theo hướng mở rộng một phần. Cụ thể là trên trục đường xe buýt BRT đi qua còn có nhiều tuyến xe buýt, xe vận tải khách từ 24 chỗ trở lên hoạt động với tần suất rất cao.
Việc tổ chức cho sử dụng chung làn đường chắc chắn chỉ thực hiện trong một giai đoạn, phù hợp với điều kiện hiện nay, theo phương chấm ưu tiên cao nhất cho xe buýt BRT. Khi buýt BRT hoạt động đúng công suất, tính hấp dẫn tăng lên, khách đi lại đông hơn thì Hà Nội sẽ tổ chức lại giao thông.
"Hiệu quả mà vận tải công cộng nói chung, xe buýt BRT nói riêng mang lại là để góp phần thúc đẩy người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện cộng cộng, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường", Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông công cộng Hà Nội cho hay.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Ám ảnh kinh hoàng xe bút vượt đèn đỏ, lao như tên bắn.