Ngày 23/5 vừa qua, Quốc hội đã nghe báo cáo và thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Thảo luận tại hội trường các đại biểu đều bày tỏ nhất trí với sự cần thiết ban hành, tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các chính sách của nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia để thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm lượng tiêu thụ rượu, bia.
Đồng thời có nhiều ý kiến góp ý thẳng thắn với mong muốn xây dựng luật đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, chăm lo đến bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Dự kiến, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV.
Cần kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với rượu, bia dưới 15 độ
TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng, Trưởng ban điều phối Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) cho biết, 16 hội chuyên ngành, tổ chức nghiên cứu khoa học và 3 cá nhân tập hợp trong Liên minh NCDs-VN đã nhiều lần gửi thư kiến nghị về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
Trong thư NCDs-VN đã đề nghị giữ nguyên các nội dung gồm: Tên dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; Có Quỹ Nâng cao sức khoẻ-đây là giải pháp quản lý và sử dụng tài chính đảm bảo thực thi Luật; Huy động nguồn kinh phí cho phòng chống tác hại rượu bia từ khoản đóng góp bắt buộc từ người sử dụng thông qua giá bán sản phẩm rượu, bia; Chế tài kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với các loại rượu, bia dưới 15 độ.
Về nội dung thực hiện kiểm soát quảng cáo, hạn chế tài trợ với rượu, bia dưới 15 độ, theo TS. Trần Tuấn, do hiện nay tồn tại khoảng trống pháp luật về kiểm soát quảng cáo tài trợ với rượu bia dưới 15 độ trên phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, dẫn đến thực tế các sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ đã và đang được quảng cáo như hàng hoá thông thường; hướng đến cả trẻ em, thanh thiếu niên. Đây chính là một trong những yếu tố chính thúc đẩy sự lan rộng và gia tăng nhanh tỷ lệ, mức độ sử dụng rượu bia trong thời gian qua-nhất là sử dụng rượu bia ở mức có hại.
TS. Trần Tuấn.
Bên cạnh đó, một số Luật chuyên ngành hiện đều có quy định riêng về quảng cáo đối với sản phẩm đặc thù mà Luật Quảng cáo chưa hoặc không thể điều chỉnh chi tiết được như quảng cáo thuốc chữa bệnh, thực phẩm, sữa và sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi, thuốc lá… Do đó, Luật Phòng chống tác hại của rượu bia cần có quy định mang tính đặc thù để phù hợp với chính sách phòng chống tác hại của rượu bia.
Việc hạn chế quảng cáo đã được chứng minh là hiệu quả trong giảm tiêu thụ giảm tác hại của rượu, bia nên đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo nên áp dụng như là biện pháp ưu tiên.
Ngoài ra, cần đưa vào quy định cụ thể mức thuế cơ bản và đánh thuế lũy tích theo nồng độ cồn có trong sản phẩm. Có điều luật cụ thể và chế tài xử phạt mạnh ngăn ngừa trẻ vị thành niên tiếp xúc với rượu bia.... Khoa học đã chứng minh: Một đô la đầu tư vào phòng chống tác hại của rượu bia đưa lại lợi ích tổng thể lên tới 9,13 đô la trong tương lai - ông Trần Tuấn chỉ rõ.
Ngăn ngừa tiếp cận của trẻ em với rượu bia
Để giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc sử dụng rượu bia đối với thanh thiếu niên cũng như các hậu quả do rượu bia gây ra với trẻ em, Nhóm công tác về Quyền trẻ em cũng kiến nghị dự Luật cần tăng cường các điều khoản về kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ để ngăn ngừa và giảm thiểu việc sử dụng rựu bia ở thanh thiếu niên cũng như ở người trưởng thành.
Cụ thể: Cần áp dụng đồng loạt các quy định về kiểm soát quảng cáo đối với tất cả các sản phẩm rượu bia dưới 15 độ.
Bổ sung quy định cấm quảng cáo rượu bia trên các ẩn phẩm báo in. Bổ sung quy định không cho phép quảng cáo rượu, bia trên internet, mạng xã hội.
Bổ sung quy định cấm hoạt động khuyến mại, tài trợ rượu bia cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao.
Nhóm Công tác về Quyền trẻ em nhấn mạnh rằng, việc thông qua dự Luật với những điều khoản kiểm soát mạnh mẽ là vô cùng cần thiết đảm bảo thực hiện Quyền trẻ em ở Việt Nam, vì lợi ích sức khỏe của người dân và sự phát triển bền vững của cộng đồng.
Lượng tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam tăng với tốc độ phi mã kéo theo nhiều hệ lụy cho sức khỏe, xã hội. Nếu không áp dụng các chính sách chặt chẽ nhằm giảm sử dụng rượu bia thì dự kiến mức tiêu thụ của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng rất nhanh.
Kiểm soát tính sẵn có của rượu bia, thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe
Tổ chức HealthBrige Canada tại Việt Nam cho rằng, ngoài các quy định kiểm soát quảng cáo rượu bia thì cũng cần kiểm soát tính sẵn có của mặt hàng này bằng các điều khoản cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, cấm bán rượu bia ở các cơ sở y tế giáo dục, vui chơi giải trí, nơi làm việc, cấm bán trên internet và máy bán tự động, không bán rượu bia trong khoảng từ 22 giờ đến 6 giờ sáng...
Đây là những nội dung tốt dựa trên bằng chứng quốc tế và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cần được củng cố trong dự Luật.
Bên cạnh đó, tổ chức này khuyến nghị cần thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe. Mô hình này đã được WHO, Ngân hàng thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác đánh giá là rất hiệu quả và bền vững. Hiện đã có 21 quốc gia đã thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe với nguồn thu từ thuế hoặc phụ thu thuốc lá và rượu bia; hay từ nguồn ngân sách thường xuyên;... Do đó đây là mô hình Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng trong tương lai để triển khai thành công các hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm, phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn.
3 khuyến nghị của WHO
WHO khuyến nghị thực thi những chính sách hiệu quả đã được kiểm chứng sau:
- Chính sách về giá đối với rượu bia và đồ uống có cồn khác. Bằng chứng đã cho thấy tăng giá rượu bia thông qua thuế mang lại hiệu quả trong việc giảm tiêu thụ rượu bia ở mức có hại đối với người đang sử dụng nói chung và giới trẻ. Qua đó sẽ giúp giảm số trường hợp tử vong do sử dụng rượu bia gây ra.
- Hạn chế sự sẵn có của rượu bia: Hạn chế thời gian được bán rượu bia, quy định độ tuổi được phép mua hoặc sử dụng rượu bia.
- Kiểm soát quảng cáo, khuyến mại, tài trợ. WHO cho rằng, một quy định kiểm soát chặt chẽ hoặc cấm quảng cáo rượu bia có thể làm giảm mức tiêu thụ, đặc biệt là ở giới trẻ và góp phần giảm tai nạn giao thông và bạo lực liên quan tới uống rượu...
Trước đó, trước những tác hại của rượu bia gây ra không chỉ với sức khỏe, tai nạn giao thông mà còn nhiều mặt khác của đời sống xã hội, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản báo cáo Quốc hội đề nghị giữ lại những nội dung về kiểm soát quảng cáo và thời gian bán rượu bia trong dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.
ThS. Hoàng Thị Mỹ Hạnh - Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết: Trong số các quốc gia đã giảm được lượng rượu bia tiêu thụ bình quân đầu người, Nga là một thí dụ điển hình của việc áp dụng và triển khai thành công các chính sách mạnh mẽ nhằm giảm sử dụng đồ uống có cồn. Từ năm 2005 đến nay, Nga đã theo đuổi chính sách kiểm soát đồ uống có cồn chặt chẽ, áp dụng tất cả các biện pháp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, chi phí thấp trong giảm sử dụng đồ uống có cồn.
Đó là chính sách về thuế và giá: Chính sách thuế sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 10% mỗi năm từ 2008, năm 2014 tăng thuế tiêu thụ đặc biệt 33%; Chính sách quản lý giá năm 2019, Nga quy định mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu mạnh có nồng độ cồn từ 28% trở lên, năm 2014 tiếp tục tăng mức giá bán lẻ tối thiểu của rượu 28% độ cồn trở lên; 2016 quy định mức giá bản lẻ tối thiểu đối với rượu voka.
Nga hạn chế tính sẵn có của rượu bia bằng việc cầm bán rượu có độ cồn trên 15% theo lộ trình. Từ việc cấm bán tại một số địa điểm công cộng, tại các điểm không được cấp phép, Nga cấm bán trên internet, sau đó tăng nặng mức xử phạt với tài xế lái xe khi sử dụng rượu bia; tăng nặng mức phạt đối với hành vi bán rượu bia cho người chưa đủ tuổi và gắn trách nhiệm hình sự nếu tái phạm vi phạm.
Đồng thời, Nga đã cấm quảng cáo trên tất cả các phương tiện giao thông, trên báo hình, báo giấy, mạng xã hội và internet...; cấm điều khiển phương tiện giao thông mà nồng độ cồn trong khí thở vượt mức 0.16mg/l vào năm 2012.
Nhờ vậy, sau 7 năm, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người ở Nga đã giảm 22%, từ 15,8 lít năm 2010 xuống 12,3 lít (2017); gánh nặng bệnh tật và tử vong do đồ uống có cồn gây ra cũng đã giảm đáng kể.