Hiệp hội này cho rằng, với 44.000 xe hoạt động như taxi tại Hà Nội và 36.000 chiếc tại TP.HCM, tổng lượng xe taxi và xe hoạt động như taxi dưới hình thức xe hợp đồng điện tử đã vượt xa so với quy hoạch. Việc này đã phá vỡ quy hoạch, gây ùn tắc và quá tải giao thông trầm trọng.
Trong đơn kiến nghị, Hiệp hội cũng “tố” những sai phạm của Uber, Grab khi hoạt động tại Việt Nam. Đơn cử, Grab vẫn duy trì dịch vụ đi chung xe (Grabshare) dù đã có chỉ đạo từ phía Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Hay dù TP. Đà Nẵng đã có nhiều văn bản yêu cầu Grab, Uber dừng quảng cáo, hoạt động nhưng thực tế vẫn có vài nghìn xe loại hình này hoạt động tại đây…
Cho rằng loại hình kinh doanh vận tải như Uber, Grab là kinh doanh có điều kiện, Hiệp hội này cũng kiến nghị cấp có thẩm quyền phải quy định bắt buộc Uber, Grab thành lập công ty tại Việt Nam, có giấy phép cung cấp dịch vụ hoạt động vận tải và tuân thủ các điều kiện kinh doanh vận tải tại Việt Nam… Dữ liệu phải được kết nối với hệ thống giám sát của Bộ GTVT. Định kỳ các công ty công nghệ phải truyền tải thông tin tự động theo chuẩn về Tổng cục Đường bộ và Sở Giao thông Vận tải nơi quản lý để phân tích dữ liệu tập trung.
Trước đó, không ít ý kiến của các hãng taxi truyền thống cho rằng: Với nguồn tiền rất lớn, Grap, Uber đã tung ra các chiêu khuyến mãi tiến tới độc quyền, thao túng thị trường kinh doanh vận tải xe taxi tại Việt Nam. Không ít ý kiến từ đại diện các hãng taxi truyền thống tố cáo, Uber và Grab sử dụng chiêu thức khuyến mãi, giảm giá tức là sử dụng tiền để “mua” khách hàng, điều này vi phạm quy định của pháp luật.
Trong một diễn biến khác, gần đây, nhiều tài xế của một số đơn vị kinh doanh taxi truyền thống tại Hà Nội và TP.HCM đồng loạt xin nghỉ việc, nguyên nhân được cho là vì áp lực cạnh tranh với Uber, Grab quá lớn. Doanh số lao dốc, hàng nghìn nhân viên thôi việc khiến nhiều hãng taxi truyền thống cố chống đỡ trước sự lấn át của Grab, Uber.
Liên quan đến kiến nghị dừng khẩn cấp hoạt động Uber, Grab của Hiệp hội Taxi Hà Nội, theo đại diện Bộ GTVT, là Uber, Grab hay các taxi truyền thống thì đều phải đăng ký kinh doanh, có phù hiệu, niêm yết tên của doanh nghiệp, số điện thoại, giá cước vận tải, có giám sát hành trình. Việc giám sát hành trình của Uber, Grab cũng giống như taxi truyền thống và đang được Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo dõi, quản lý. Trong khi đó, vi phạm của Uber, Grab và taxi truyền thống thông qua giám sát hành trình cũng phát hiện được rất nhiều và cũng bị xử phạt như nhau theo quy định, bao gồm cả rút giấy phép kinh doanh...
Về việc taxi truyền thống “tố” Uber trốn thuế, đại diện Bộ GTVT cho rằng, nếu Uber có vi phạm quy định thì trách nhiệm giải quyết, truy thu thuộc cơ quan thuế, vi phạm về thuế sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Vấn đề nhìn thấy rõ ràng là người tiêu dùng đang được lợi do giá vận tải của Uber, Grab rẻ hơn so với taxi truyền thống.
Đại diện Bộ GTVT cho biết, cơ quan này đã tổ chức nhiều cuộc họp để lắng nghe ý kiến và giải quyết những vấn đề của taxi truyền thống và Uber, Grab. Trong số các đơn vị kinh doanh taxi truyền thống, hiện có 8 đơn vị đã áp dụng công nghệ mới, sử dụng hợp đồng điện tử, thậm chí là công nghệ tối ưu hơn Uber, Grab, dịch vụ đặt chỗ không chỉ là phần mềm cài đặt trên điện thoại mà còn sử dụng cả mạng xã hội facebook.
Vấn đề nằm ở chỗ, một số đơn vị taxi truyền thống vẫn bảo lưu quan điểm của mình mà không chịu đổi mới để cạnh tranh. Không thể bắt Uber, Grab dừng hoạt động bởi cái gì pháp luật không cấm thì doanh nghiệp được làm và đây là cuộc cạnh tranh rất sòng phẳng, bình đẳng.
Những diễn biến trên cho thấy, các hãng taxi truyền thống cần nhanh chóng tìm cách thay đổi phương thức vận hành, quản lý nhằm giảm giá cước vận tải để "níu chân" người tiêu dùng. Trên thực tế, Uber, Grab tồn tại và phát triển được hay không do người dân, hành khách lựa chọn sử dụng. Với taxi truyền thống, cần thay đổi tư duy kinh doanh vận tải và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của hành khách và tham gia cạnh tranh bình đẳng trên thị trường.