Theo đó, Sở Y tế Quảng Nam tổng hợp 5 hành vi để lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn thực phẩm đối với bánh mì Phượng: Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về chế độ kiểm thực 3 bước; Thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn; Không có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh.
Bên cạnh đó, Bánh mì Phượng còn vi phạm các quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật trong kinh doanh dịch vụ ăn uống (Khu vực sơ chế chưa đảm bảo vệ sinh; Chưa phân biệt giữa khu vực bảo quản nguyên liệu, thực phẩm, khu vực sơ chế, chế biến và khu vực khác; Các dụng cụ sơ chế, chế biến, trang thiết bị, dụng cụ bảo quản chưa bảo đảm vệ sinh) và hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm gây ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe của từ 5 người trở lên mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tổng hợp 5 hành vi này, Sở Y tế Quảng Nam kiến nghị xử phạt 110.500.000 triệu đồng, đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh 5 tháng.
Theo TS.BS Mai Văn Mười, tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 29, Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Thanh tra Sở Y tế (Chánh thanh tra Sở), Trưởng Đoàn Thanh tra chuyên ngành cấp sở chỉ được phạt tiền đến 50.000.000 đồng đối với một hành vi vi phạm của cá nhân (hộ kinh doanh).
"Do vậy, hành vi vi phạm hành chính của hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 vượt thẩm quyền giải quyết của Sở Y tế, Sở Y tế Quảng Nam đã trình Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét, quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm đối với chủ Hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2 theo quy định của pháp luật", TS Mười nói.
Được biết, đại diện Sở Y tế Quảng Nam đã tiến hành làm việc với Hộ kinh doanh Bánh mì Phượng 2, qua buổi làm việc, ông Đặng Ngọc Châu (chủ hộ kinh doanh Bánh mì Phượng) đã thống nhất với kết quả điều tra, xác minh vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến cơ sở Bánh mì Phượng 2 và mức xử phạt vi phạm hành chính như đã nêu trên.
Chủ hộ kinh doanh bánh mì Phượng đã tự nguyện khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân vụ ngộ độc. Cụ thể, chủ cơ sở đã đến bệnh viện, cơ sở y tế thăm hỏi và chịu chi phí điều trị (viện phí) cho bệnh nhân.