Lây nhiễm HIV chủ yếu qua đường tình dục
Kiên Giang là tỉnh có số ca nhiễm HIV đứng thứ 4 ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và thứ 16 trong cả nước. Mỗi năm Kiên Giang phát hiện thêm 350-400 ca nhiễm mới HIV. Tính đến 30/6/2023 số tích lũy phát hiện HIV của Kiên Giang là 6.509 người, trong đó 1.702 người đã tử vong. Số người nhiễm HIV còn sống quản lý được 84,6% (4.068/4.807).
Người nhiễm HIV tập trung chủ yếu ở một số huyện điểm nóng như Phú Quốc, Rạch Giá, Hà Tiên và Kiên Hải… Đối tượng dễ bị nhiễm và tỷ lệ nhiễm HIV cao trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới (MSM), người nghiện chích ma túy, người mua bán dâm. Tuy nhiên, lây nhiễm qua đường tình dục là chủ yếu. Năm 2022, có đến 97,9% số người nhiễm mới HIV lây qua đường tình dục, phần lớn trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM)…
BS. Võ Thị Lợt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang cho biết: Trong những năm gần đây, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Qua giám sát trọng điểm cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao và tăng mạnh từ 2% năm 2013 lên 11,3% năm 2015 và 14,7% năm 2020. Năm 2022 có xu hướng giảm nhưng tỷ lệ vẫn tới 11,3%. Trong khi đây lại là nhóm khó tiếp cận.
BS. Võ Thị Lợt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang.
Giám sát ca nhiễm mới cũng cho thấy, trên 50% số ca nhiễm mới được phát hiện trong năm 2021 và 2022 là MSM. Hành vi làm tăng nguy cơ lây truyền HIV trong nhóm MSM cao là do tỷ lệ sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với bạn tình thấp.
Các ca nhiễm HIV trong nhóm MSM cũng trẻ hóa, có xu hướng tăng trong nhóm 16 - 25 tuổi, giảm ở nhóm từ 35 tuổi trở lên. Riêng tại các địa phương triển khai dự án EPIC là Rạch Giá, Châu Thành và Phú Quốc, số ca nhiễm HIV là MSM chiếm 59% các ca nhiễm mới.
Triển khai nhiều hoạt động khống chế lây nhiễm HIV
Với hỗ trợ của các dự án, Kiên Giang đã tăng cường công tác tìm ca nhiễm mới HIV tại cơ sở y tế và tìm ca trong cộng đồng thông qua các nhóm CBO (nhóm tiếp cận cộng đồng). Đối với những người có hành vi nguy cơ cao được tư vấn xét nghiệm HIV. Nếu âm tính với HIV sẽ được kết nối điều trị PrEP (dự phòng trước phơi nhiễm HIV). Nếu dương tính với HIV được kết nối chuyển gửi điều trị ARV; tăng cường dịch vụ điều trị dự phòng PrEP; chú trọng triển khai các hoạt động can thiệp giảm hại, tư vấn, xét nghiệm HIV; khám và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế methadone; điều trị thuốc kháng HIV; điều trị viêm gan virus C trên người bệnh đồng nhiễm HIV, viêm gan virus C…
Cùng với đó là tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông nhóm nhỏ tới các đối tượng đích. Do đó, các đồng đẳng viên, các nhóm CBO sẽ là cánh tay nối dài của cán bộ y tế trong việc tiếp cận những đối tượng này để chia sẻ kiến thức về nguy cơ lây nhiễm HIV, cung cấp các biện pháp can thiệp như bao cao su, gel bôi trơn và kết nối chuyển gửi điều trị PrEP, ARV…
Đến nay, tỉnh đã xây dựng lực lượng truyền thông viên đồng đẳng/tiếp cận cộng đồng các nhóm gồm 69 người, trong đó có 7 người nhiễm HIV tham gia làm đồng đẳng viên. Công tác can thiệp giảm tác hại được duy trì thực hiện, tập trung cho nhóm người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV cao.
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã quản lý, chăm sóc điều trị ARV mới cho 206 bệnh nhân. Như vậy, tính đến nay, tỉnh đang điều trị ARV cho 3.161 người, trong đó có 74 trẻ em (đạt 102,7% so với chỉ tiêu Cục Phòng, chống HIV/AIDS giao là 3.077); điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 100% các trường hợp phát hiện được. Tất cả 14/14 phụ nữ mang thai nhiễm HIV và con của họ sinh ra được dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và kết quả xét nghiệm chẩn đoán HIV sớm cho 12 trẻ (tất cả đều âm tính).
Mời độc giả xem thêm video:
Bạn Hỏi - Chuyên Gia Trả Lời: Tất Tần Tật Về HIV/AIDS