Nhiều người tự điều trị khiến bệnh nặng thêm
Chị Nguyễn Thị T. (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) không nghĩ rằng những vết rộp trên mặt là do mình đã tiếp xúc với kiến ba khoang. Chị T. đã sai lầm khi không đi khám sớm nên những tổn thương do kiến ba khoang gây ra đang để lại nhiều vết thâm trên mặt. Được biết khu chung cư chị T. ở cũng có nhiều trường hợp người dân bị viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang nguy hiểm này.
"Tôi cứ thấy ngứa là gãi nên ngày hôm sau vết ngứa loang rộng ra. Sau đó thấy mặt bắt đầu sưng, rồi sưng mắt mới đến bệnh viện khám..."- chị T. cho hay.
ThS.BS Nguyễn Tiến Thành - Bệnh viện Da liễu Trung Ương cho biết, một trong những sai lầm của rất nhiều bệnh nhân là tự mua thuốc điều trị, ra hiệu thuốc tự bắt bệnh theo hướng zona, giời leo... hoặc tự dùng lá cây, thuốc màu bôi vào vết thương. Vô tình, điều đó làm vết thương bị sâu hơn, loét rộng hơn và có thể để lại sẹo thâm.
ThS.BS Nguyễn Tiến Thành thăm khám cho bệnh nhân.
Tổn thương vùng mắt lan sang má do dịch tiết của kiến ba khoang gây ra.
Theo các bác sĩ, tổn thương cơ bản do kiến ba khoang gây ra có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay.
Thương tổn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Kiến ba khoang chứa độc tố, tuyệt đối không dùng tay giết kiến
Các chuyên gia da liễu đặc biệt lưu ý, hầu hết bệnh nhân đến viện khám tổn thương da do tiếp xúc chất tiết của kiến ba khoang không phải do con vật này đốt mà vì mọi người có thói quen tự dùng tay trực tiếp giết kiến. Khi này, chất tiết của con vật sẽ bám dính vào da và gây tổn thương.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12 - 15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn, chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà sát hoặc bị giết.
Hình ảnh kiến ba khoang.
Do đó, nếu trong nhà có kiến ba khoang, mọi người nên sử dụng đồ bảo hộ và bắt kiến vất đi, không nên tiếp xúc trực tiếp với kiến, nơi kiến chết có dịch tiết cần lau sạch.
Khi không may bị dịch kiến ba khoang dính vào da cần vệ sinh sạch bằng xà phòng dịu nhẹ, bôi dưỡng ẩm và đến bệnh viện chuyên khoa Da liễu thăm khám, không nên tự ý điều trị tránh để lại biến chứng không đáng có.
Khi bác sĩ khám chẩn đoán đúng là viêm da tiếp xúc do côn trùng, chi sau một vài ngày là tổn thương da hồi phục.
Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ. Giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động như: quần áo dài tay, đội mũ/nón, khẩu trang, đi ủng…