Kiến ba khoang lộng hành, nhiều người bị đốt thê thảm

19-10-2016 09:06 | Camera bệnh viện
google news

Với kiến ba khoang, người dân không dùng tay trần giết chết kiến vì trong dịch cơ thể của chúng có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da.

Xử lý khi bị kiến ba khoang đốt. Nguồn: Zing.vn

Thời gian gần đây, rất nhiều người kinh hãi vì tình trạng kiến ba khoang xuất hiện ngày càng nhiều khiến gia đình nhiều phen mất ăn mất ngủ.

Bỏng rát mặt vì kiến ba khoang

Chị Trang Phạm, trú tại chung cư CT2, Nam Xa La, Hà Đông phát hoảng vì kiến ba khoang ở đâu bỗng xuất hiện đầy nhà. Hơn nữa, trong nhà có trẻ nhỏ khiến chị càng lo lắng. Đã cẩn thận đề phòng là thế, nhưng mới đây chị Trang bị kiến ba khoang đốt vào vị trí dưới mắt. Ngay lập tức chị lấy tay giết kiến ba khoang, song do bất cẩn chị lại quẹt tay lên mặt khiến khuôn mặt chị ngứa ngáy, bỏng rát, tổn thương lan rộng trên mặt. Dù đã bôi thuốc và giữ vệ sinh nhưng hơn một tuần nay da của chị vẫn chưa lành.

Tổn thương lan tỏa do kiến ba khoang đốt. Ảnh: Internet

Cũng chung cảnh ngộ sống chung với kiến ba khoang, gia đình anh Phạm Văn Cường, khu đô thị Dương Nội, Hà Đông hoảng hốt vì mấy ngày gần đây kiến từ đâu bay đến đầy nhà. Vợ anh bị một vết đốt ở tay, nhưng may mắn vết đốt nhẹ và đã khỏi. Anh Cường cho biết, đặc biệt, kiến ba khoang thường bay vào nhà sau 18h tối, khi có ánh đèn; hoặc bám vào quần áo ngoài dây phơi, nếu không để ý rất dễ bị đốt.

Anh Hải, khu Chung cư P3 Phương Liệt, Thanh Xuân cũng cho hay, đếm sơ sơ mỗi tối anh phải “xử lý” khoảng 20 con kiến ba khoang ra khỏi nhà. Chúng bò khắp nơi, từ phòng khách, trên ghế, trong phòng ngủ… Lo nhất là nhà có trẻ nhỏ, nếu không cẩn thận dễ bị loại kiến này đốt cho đau rát.

Rất nhiều người khác cũng kêu trời vì kiến ba khoang. "Tối nào cũng phải chạy kiến, không mở cửa thì bí bách mà mở cửa thì kiến bay đầy nhà, đuổi không xuể"- một người dân nói.

Dễ nhầm sang bệnh zona

Thời gian gần đây, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân bị kiến ba khoang đốt vào khám. Đa số các bệnh nhân được bác sĩ thăm khám, kê đơn thuốc điều trị tại nhà. Theo TS.BS. Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, việc điều trị kiến ba khoang đốt không khó nhưng khó là vì mọi người rất hay nhầm lẫn với bệnh zona.

“Bệnh này về triệu chứng rất giống bệnh zona vì nó cũng đau và rất rát, cũng viêm da bọng nước như zona. Nhưng cần chú ý phân biệt là bệnh zona thường chỉ bị một nửa người, không bao giờ bị cả hai nửa người; còn kiến ba khoang đốt thì bị cả hai nơi, hoặc bị nhiều nơi. Trong trường hợp bị một vết đốt ở một bên thì chẩn đoán bằng kinh nghiệm của bác sĩ, kết hợp với hỏi bệnh như: có nhìn thấy kiến ba khoang trong nhà, trên giường, hoặc bắt kiến ba khoang, hay nhà ở khu chung cư cao tầng không.…”- TS. Dũng cho biết.

TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.

Theo TS. Dũng, nếu chẳng may bị kiến ba khoang đốt, cần ngay lập tức tiến hành sơ cứu bằng cách rửa vết đốt bằng cồn 70, 90 độ, Betadine (nếu không có cồn thì rửa bằng xà phòng 3 lần rồi xịt nước hoa vào). Với vết thương do kiến ba khoang gây ra, nếu rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này. Sau đó có thể sử dụng thuốc điều trị kiến ba khoang đốt như sau: 1. Milian: 1 lọ, bôi ngày 2 lần/ 2. Hồ nước: 1 lọ, bôi ngày 2 lần/ 3. Fobancort: 1 tube, bôi ngày 4 lần/ 4. Clarytine 10mg: 5 viên, ngày 1 viên. Nếu không có Milian có thể thay bằng dung dịch Castellani, Betadine.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu nhìn thấy kiến ba khoang bám trên người, hay quần áo, đồ đạc trong nhà, người dân tuyệt đối không nên dùng tay “giết chết”, chà xát chúng mà nên thổi chúng ra xa, hoặc để một tờ giấy vào cho nó bò lên và lấy nó ra khỏi người. Sau đó rửa sạch vùng da đã tiếp xúc với loài côn trùng này.

Nếu bạn lỡ tay đập hoặc chà xát chúng trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi nơi tiếp xúc để hạn chế chất độc. Bởi lẽ, trong dịch cơ thể của kiến ba khoang có chứa pederin - một loại chất độc gây rộp, phỏng da, viêm da. Khi da người tiếp xúc vào chất tiết của chúng qua những vật dụng nào đó hoặc vô ý đập làm cho chúng chết trên da thì chất độc theo dịch cơ thể chúng tiết ra ngoài, dính vào da người, gây bệnh ngay tại vùng da đó... Khi dính vào da tay, nếu không rửa sạch tay ngay thì vô tình sẽ làm chất độc dính vào chỗ khác trên cơ thể gây viêm da lan toả.

Để hạn chế kiến ba khoang, người dân nên đóng cửa, kéo rèm và hạn chế bật đèn, không nên dùng đèn neon, đèn led... Nên ngủ trong màn. Vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ xung quanh nhà, vì đây là nơi trú ẩn tốt cho loài này. Mặc quần áo dài tay khi đi ra ngoài nhà, nhất là ở những vùng gần đồng ruộng, khu dân cư nhiều ánh đèn, gần công trình đang xây dựng. Khi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa thu hoạch, mùa mưa bão, cần chú ý sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động như: mặc quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng để tránh tiếp xúc với côn trùng.




Dương Hải
Ý kiến của bạn