Hà Nội

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào?

25-09-2021 07:43 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Kiến khoang đang tái xuất ở nhiều nơi khiến nhiều người dính phải nọc độc. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng, viêm da tiếp xúc do kiến khoang có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm.

Thông tin chia sẻ uy tín, chuẩn xác từ BSCKII Quách Thị Hà Giang - Bệnh viện Da liễu Trung ương.

Những ngày nay, thông tin trên các phương tiện tuyền thông cũng như mối quan tâm lớn nhất của cả xã hội là COVID-19. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên dành thời gian để tìm hiểu về viêm da tiếp xúc do kiến khoang - một tình trạng viêm da đang gia tăng đáng kể tại Hà Nội và các tỉnh thành lân cận trong các ngày gần. 

Nếu không được phát hiện và điều trị đúng, viêm da tiếp xúc do kiến khoang có thể sẽ gây nên các biến chứng đáng tiếc.

Viêm da tiếp xúc do kiến khoang là gì?

Đây là tình trạng kích ứng da do tiếp xúc với một số loài bọ cánh cứng thuộc giống Paederus. Bệnh còn được gọi là phát ban bọ cánh cứng, viêm da dạng dải, nhện liếm, bỏng ban đêm và viêm da Paederus. 

Paederus tiết ra độc chất paederin làm mất liên kết giữa các tế bào, ức chế tổng hợp protein, tổng hợp DNA và phân bào gây nên các thương tổn da và cảm giác bỏng rát.

Ai bị viêm da tiếp xúc do kiến khoang?

Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng. Dịch bệnh đã được báo cáo tại các đơn vị quân đội, bệnh viện, kí túc xá, khu dân cư, chung cư và rải rác xuất hiện ở một hoặc nhiều thành viên trong gia đình.

Giống Paederus có hơn 600 loài, phân bố ở hầu hết tất cả các lục địa. Chúng đã từng gây ra các dịch viêm da tiếp xúc ở nhiều nơi như Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Mỹ, Ấn Độ, Okinawa, Việt Nam… Loại côn trùng này có có thân hẹp, dài từ 0,5–1,5 cm, đầu và ngực màu đen bóng, phần bụng màu đỏ cam .

Kiến khoang có thể được tìm thấy trong xác thực vật và động vật đang phân hủy ở hầu hết các môi trường trên thế giới. Chúng phổ biến hơn ở những vùng có khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều. Thời kỳ sinh sản của kiến khoang là mùa mưa từ tháng 7-10 hàng năm.

Biểu hiện bệnh

- Ban đỏ dạng vệt xuất hiện 24-48 giờ sau khi tiếp xúc với kiến khoang;

- Tiếp theo thường là mụn nước và mụn mủ sau 2-4 ngày;

- Các dấu hiệu kéo dài một tuần hoặc hơn để lành.

Các đặc điểm da của bệnh bao gồm:

+ Ban đỏ;

+ Mụn nước và mụn mủ;

+ Cảm giác nóng bỏng;

+ "Thương tổn hôn nhau" – nơi hai bề mặt uốn liền kề kết hợp với nhau;

+ Viêm da quanh mắt, viêm kết mạc, viêm quy đầu do truyền chất độc qua tay.

Biến chứng

- Nhiễm trùng

- Tăng sắc tố sau viêm 

- Sẹo

Chẩn đoán phân biệt

- Herpes 

- Zona 

- Viêm da tiếp xúc ánh sáng do thức vật 

- Chốc…

Lưu ý nhất là chẩn đoán phân biệt với bệnh zona

+ Là bệnh gây nên do virus varicella zoster 

+ Thường có biểu đau nhức trước khi nổi mụn nước 

+ Mụn nước đứng thành đám, số lượng từ vài chiếc đến vài trăm chiếc, mụn nước căng, chứa dịch trong, đôi khi dịch màu hồng

+ Tổn thương đi dọc theo dây thần kinh, ở 1 bên cơ thể trừ những trường hơp suy giảm miễn dịch như nhiễm HIV-AIDS 

+ Đau nhức tại chỗ vùng tổn thương và kéo dài sau khi khỏi bệnh.

Xử trí đúng cách khi bị kiến khoang đốt

- Bước đầu tiên nên rửa vùng bị ảnh hưởng bằng xà phòng và nước muối sinh lý, nước sạch trong 5-10 phút để loại bỏ độc tố pederin 

- Sau khi làm sạch, hãy chườm mát và bôi kem làm dịu da

- Cồn iốt có thể giúp khử trùng và trung hòa độc tố paederin 

- Có thể cần sử dụng thuốc kháng sinh, giảm viêm, giảm đau tại chỗ hoặc toàn thân (theo chỉ định của bác sĩ da liễu). 

- Không gãi, trà xát, đắp lá làm thương tổn lan rộng, bội nhiễm

Phòng tránh kiến khoang đốt

- Sử dụng lưới chống côn trùng vào ban đêm

- Chọn nguồn sáng không phát ra tia UV

- Tắt đèn khi ngủ

- Vệ sinh môi trường xung quanh thông thoáng

- Quan sát, rũ sạch chăn ga, quần áo

- Không loại bỏ côn trùng trực tiếp bằng tay, không làm nát côn trùng

- Rửa vùng da tiếp xúc với côn trùng bằng nước muối sinh lý, xà phòng và nước sạch.

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào? - Ảnh 3.

Kiến khoang: Cánh cứng, ngực đen, bụng đỏ, chạy và bay nhanh.

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào? - Ảnh 4.

Viêm da tiếp xúc do kiến khoang lan rộng có biến chứng bội nhiễm vi khuẩn.

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào? - Ảnh 5.

Thương tổn dạng vệt của viêm da tiếp xúc do kiến khoang.

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào? - Ảnh 6.

Thương tổn dạng “nụ hôn” do kiến khoang.

Kiến ba khoang 'đốt' bôi gì? Xử trí thế nào? - Ảnh 7.

Bệnh zona - thương tổn bọng nước mọc thành chùm khu trú một nửa bên cơ thể.

Kiến khoang tái xuất, bác sĩ chỉ cách phân biệt thương tổn da với bệnh zonaKiến khoang tái xuất, bác sĩ chỉ cách phân biệt thương tổn da với bệnh zona

SKĐS - Tại một số khu dân cư trên địa bàn TP. Hà Nội gần đây đã xuất hiện trở lại kiến khoang khiến người dân lo lắng. Đây là loại côn trùng nguy hiểm, độc tố trong kiến khoang mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, nếu chẳng may tiếp xúc với chất độc mà không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Trung tâm "Hy vọng" - Lắng đọng những yêu thương.

BSCKII Quách Thị Hà Giang
Bệnh viện Da liễu Trung ương
Ý kiến của bạn