Nhiều hình thức kiểm tra khác nhau
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các trường có thể triển khai nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá mới thay vì chỉ kiểm tra trên giấy như trước đây. Việc đánh giá định kỳ gồm đánh giá giữa kỳ và cuối kỳ. Điểm đánh giá định kỳ sẽ được tính vào kết quả tổng kết học kỳ và cả năm học của học sinh.
Việc đánh giá được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc qua máy tính), bài thực hành, dự án học tập. Điều này có nghĩa giáo viên có thể kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau, miễn sao đảm bảo đánh giá được mục tiêu, yêu cầu cần đạt của các bài học.
Theo TS. Lê Thái Hưng - Trưởng khoa Quản trị Chất lượng, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, việc đầu tiên mà các nhà trường cần làm đó là có hướng dẫn đối với giáo viên các tổ bộ môn để thống nhất với nhau những nội dung và mục tiêu học tập mà chúng ta lựa chọn để dạy cũng như kiểm tra đánh giá. Từ đó, các bài kiểm tra đánh giá phải bám sát được các mục tiêu học tập đó.
Bên cạnh đó, khi kiểm tra online cần phải có quy chế và yêu cầu. Những yêu cầu này cần phải công khai đối với phụ huynh, học sinh và giáo viên.
Ví dụ như đảm bảo các điều kiện: có camera giám sát, bật mic khi học sinh làm bài và cần chuẩn bị thêm những vấn đề xử lý sự cố khi học sinh làm bài bị nghẽn mạng hoặc mất điện thì nhà trường cũng nên có văn bản chính thức để giúp cho học sinh và phụ huynh đỡ hoang mang, lo lắng.
Một điểm mà theo TS. Hưng cũng rất quan trọng, đó là cần hình thành cho các con một thói quen, văn hóa khi tham gia các hoạt động kiểm tra đánh giá.
Làm sao để bài kiểm tra đánh giá được chính xác và minh bạch?
Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống, chị Mai Khanh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, gần nửa năm nay, hai con của chị một đứa lớp 10, một đứa lớp 7 vẫn hằng ngày học online đúng giờ, chăm chỉ học và luôn hoàn thành bài tập thầy cô giao.
"Chúng tôi không can thiệp nhiều trong quá trình ôn tập, kiểm tra của con. Vì các cháu đều lớn rồi, có vấn đề gì thì các cháu tự liên hệ với thầy cô. Bản thân phụ huynh cũng nghĩ việc học là cả một quá trình chứ không phải chỉ bài kiểm tra giữa kỳ này nên chúng tôi không đặt nặng kết quả môn học của con.
Khi các cháu làm bài thi, nếu con gặp trục trặc về về phần mềm hay máy móc thì bố mẹ sẽ hỗ trợ, còn bài thi thì con phải tự làm. Đây cũng là thử thách tính tự giác và trung thực của các con" - chị Khanh chia sẻ.
Để bài kiểm tra đánh giá được chính xác và minh bạch, theo ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), việc kiểm tra đánh giá thì yêu cầu về tính chính xác và công bằng là điều hết sức quan trọng. Đặc biệt việc này có kèm theo cả việc mục tiêu giáo dục phẩm chất của học sinh, đó là phẩm chất trung thực.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, việc thực hiện các bài kiểm tra thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT thì các nhà trường phải hết sức lưu ý. Nếu kiểm tra, đánh giá bằng hình thức trực tuyến mà có kết quả bất thường, học sinh học bình thường nhưng kết quả thi rất cao hoặc học tốt nhưng kết quả thấp do đường truyền kém, có vấn đề về kỹ thuật thì nhà trường có thể kiểm tra đánh giá lại. Lúc đó, học sinh đó có thể kiểm tra, đánh giá bằng một đề tương đương mà không cùng học sinh khác. Đó cũng là một giải pháp để đảm bảo đánh giá đúng năng lực của học sinh và đảm bảo tính trung thực, công khai, minh bạch.
Một học sinh lớp 8 Trường THCS Ngôi sao (Hà Nội) chia sẻ: "Tuần này, chúng em sẽ làm bài kiểm tra các môn trực tuyến giữa học kỳ I. Em không quá lo lắng vì em nghĩ, thi trực tuyến cũng chỉ là kiểm tra bình thường, chúng em ôn tập kỹ thì sẽ làm bài được thôi. Với bản thân em, khi làm bài kiểm tra các môn giữa học kỳ I, em sẽ tự giác làm bài, trung thực và cố gắng hoàn thành bài thi tốt nhất bằng chính năng lực của mình".
Xem thêm video đang được quan tâm:
Những điểm mới xét nghiệm.