Nghiên cứu mới đăng trên Tạp chí American Journal of Preventive Medicine cho thấy, việc giám sát huyết áp tại nhà giúp cứu sống và giảm chi phí cho bệnh nhân.
Giáo sư Yan Li, tác giả chính của nghiên cứu tại Trường đại học y Jiao Tong Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết: "Việc giám sát huyết áp tại nhà giúp phát hiện sớm, can thiệp kịp thời và ngăn ngừa biến chứng, từ đó cải thiện khả năng kiểm soát tăng huyết áp và mang lại sức khỏe tốt hơn cho bệnh nhân".
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ Hệ thống khảo sát yếu tố nguy cơ hành vi năm 2019 của Mỹ. Họ ước tính rằng việc triển khai hoạt động giám sát huyết áp tại nhà thay vì khám kiểm tra tại phòng khám theo cách truyền thống có thể giúp giảm khoảng 5% số ca đau tim và gần 4% số ca đột quỵ trong vòng 20 năm.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, các lợi ích lớn nhất được thể hiện ở nhóm người da đen, phụ nữ và cư dân ở vùng nông thôn so với nhóm người da trắng, nam giới và cư dân ở thành thị. Cụ thể, việc triển khai hoạt động giám sát huyết áp tại nhà có thể giúp giảm hơn 21.000 ca đau tim trên 1 triệu người ở vùng nông thôn so với 11.000 ca trên 1 triệu người ở khu vực thành thị.
Theo các nhà khoa học, tình trạng huyết áp cao không được kiểm soát phổ biến hơn ở những vùng nông thôn, các cư dân tại đây cũng đối mặt với nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Huyết áp cao được xác định là huyết áp tâm thu lớn hơn 130 mmHg, huyết áp tâm trương lớn hơn 80 mmHg, hoặc khi bệnh nhân phải sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp để kiểm soát chỉ số huyết áp.
Nghiên cứu cũng đã sử dụng dữ liệu thanh toán từ Khảo sát hệ thống chi phí y tế để ước tính về tiết kiệm chi phí liên quan đến hoạt động giám sát tại nhà. Ước tính trung bình tiết kiệm được mỗi năm khoảng 4,4% chi phí trên mỗi người và tiết kiệm trung bình là 7.794 đô la chi phí y tế trên mỗi người trong vòng 20 năm do giảm số ca bệnh tim mạch liên quan.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, việc giám sát huyết áp tại nhà thường xuyên có thể cung cấp dữ liệu chi tiết và chính xác hơn so với biện pháp đo huyết áp không thường xuyên tại phòng khám.
Nhiều Trẻ Nhập Viện Bạch Mai Do Viêm Phổi M.pneumoniae, Bác Sĩ Khuyến Cáo Gì?