Hà Nội

Kiểm tra công tác nước sạch và vệ sinh môi trường cơ sở y tế tại Kiên Giang

11-11-2020 18:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 11/11, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế đã đến làm việc với tỉnh Kiên Giang, huyện Kiên Hải và trạm y tế xã đảo Nam Du thuộc huyện Kiên Hải về công tác cung cấp nước sạch và vệ sinh tại các cơ sở y tế của địa phương này.

 

Báo cáo với đoàn công tác của Bộ Y tế về kết quả thực hiện công tác quản lý nước sạch và vệ sinh môi trường, BS. Cao Thành Nam Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Kiên Giang cho biết, trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có 76 cơ sở cấp nước tập trung. Nguồn nước cấp cho các nhà máy nước chủ yếu nước bề mặt, sông suối, hồ và nước ngầm…

Riêng về 12 hệ thống xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt do tổ chức Y tế thế giới WHO tài trợ cho Kiên Giang năm 2016, Bs. Nam cho biết, 12 hệ thống này được đặt tại các huyện An Biên, An Minh và Kiên Hải. Trong đó 3 hệ thống đặt tại 3 trung tâm y tế  huyện nói trên và 9 hệ thống được lắp đặt tại các trạm y tế thuộc 3 huyện này. Mặc dù vậy, theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiêng Giang, hiện nay chỉ có 4/9 trạm hoạt động bình thường. Có 3 hệ thống trạm y tế các xã  Nam Yên, Nam Thái và Nam Thái A đã hư hỏng nên không còn sử dụng. Số trạm còn lại hoặc là do đầu nước ra không đạt yêu cầu nước bị mặn và nhiễm phèn, hoặc là đã được cung cấp nước sạch từ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế và đoàn công tác của Cục kiểm tra hệ thống lọc nước R0 do WHO tài trợ tại quẩn đảo Nam Du, Kiên Hải, Kiên Giang

Về chất lượng nước uống của hệ thống xử lý nước này, Bs Nam thông tin, tại các TTYT huyện  nước uống đáp ứng nhu cầu về chất lượng và số lượng cho nhân viên y tế cũng như bệnh nhân. Với nước lọc tại các TTYT huyện được lấy mẫu và gửi lên CDC để thực hiện kiểm tra chất lượng nước uống định kỳ hàng năm. Tuy nhiên, tại các trạm y tế xã chưa lấy được mẫu nước đầu ra để kiểm định.

Một trong những khó khăn của hệ thống xử lý nước tại trạm y tế xã khiến chưa phát huy được hiệu quả là không có kinh phí để vận hành duy trì, bảo trì, thay thế phụ tùng hệ thống.

“Mặc dù vậy, khi nhờ được sự hỗ trợ kịp thời của WHO và Bộ Y tế với 12 hệ thống xử lý nước mặn, lợ thành nước ngọt từ năm 2016 đã đáp ứng nguồn nước sạch tại các đơn vị của Kiên Giang. Tuy nhiên, để hoạt động hiệu quả hơn nữa, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Kiên Giang kiến nghị thời gian tới cần tập huấn kỹ năng vận hành, sửa chữa, thay thế lõi lọc trong quá trình vận hành”, BS.Nam nói.

Đoàn công tác làm việc với Trung tâm kiểm soát bệnh tật Kiên Giang  (ảnh Trung Hiệp CDC Kiên Giang)

Phát biểu tại buổi làm việc Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế cho hay, sau khi nghe báo cáo của địa phương về công tác vệ sinh môi trường và chất lượng nước, đoàn công tác đánh giá địa phương cũng đã thực hiện được nhiều việc. Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế có một số nội dung cần phải lưu ý. Đó là tỉnh cần phải tăng cường, thanh kiểm tra ngoại kiểm, đối với các đơn vị cấp nước, đặc biệt là lấy lượng nước để xét nghiệm chất lượng nước vì đây là nền tảng để  xây dựng quy chuẩn nước của địa phương.

Bởi không có kết quả xét nghiệm thì không thể xây dựng quy chuẩn được. Chúng ta nói, dân tự đào giếng, khoan giếng để lấy nước nhưng không thể biết được chất lượng nước ấy có đảm bảo hay không vì không làm xét nghiệm.

Mặt khác, nói về các trạm được đặt hệ thống xử lý nước mặn, nước lợ thành nước ngọt do WHO tài trợ, bà Hương đặt vấn đề, vậy trước khi làm chúng ta đã có đánh giá chất lượng nước biển chưa?, ngoài nhiễm mặn thì nước có nhiễm kim loại nặng, nhiễm những chất khác nữa hay không... Vì thế, địa phương cần phải chủ động trong việc này.

“Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cần tham mưu cho Sở Y tế lập kế hoạch đề xuât  Sở chi kinh phí cho phòng xét nghiệm và thực hiện các công tác ngoại kiểm. Hiện nay, địa phương chưa có quy chuẩn nước nhưng theo quy định thì cũng phải làm được 99 chỉ tiêu các thông số về nước. Nếu phòng xét nghiệm của CDC chưa thực hiện được xét nghiệm các thông số trên có thể kết hợp với các đơn vị đủ chức năng và đảm bảo ISO để phối hợp làm. Vì phải làm được các thông số như trên mới đi ngoại kiểm được. Chúng ta phải tham mưu như thế thì dân mới bớt khổ”, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế chia sẻ.


Trung Hiệp - H.Nguyên
Ý kiến của bạn