Kiểm tra các điểm nóng của bệnh mùa hè

30-05-2014 10:03 | Thời sự

SKĐS - Lãnh đạo Bộ Y tế, trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh phía Nam - nơi được coi là những “điểm nóng” hiện nay của bệnh mùa hè

Lãnh đạo Bộ Y tế, trực tiếp là Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long vừa dẫn đầu đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch ở một số tỉnh phía Nam - nơi được coi là những “điểm nóng” hiện nay của bệnh mùa hè. Qua kiểm tra của đoàn công tác, đã có những chỉ đạo quyết liệt được đưa ra, yêu cầu các địa phương cần khẩn trương triển khai nhiều biện pháp không để dịch bệnh bùng phát.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại BV Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Công Chiến

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long kiểm tra công tác phòng chống dịch tại BV Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: Công Chiến

Bệnh tay - chân - miệng và sốt xuất huyết vẫn diễn biến phức tạp

Theo đánh giá của Sở Y tế Đồng Nai, thời gian qua, nhìn chung các bệnh truyền nhiễm đều giảm nhưng một số bệnh vẫn diễn biến phức tạp như SXH Dengue (SXHD), TCM có số mắc cao, trên diện rộng. Địa phương có số ca mắc SXHD tăng cao nhất là TP. Biên Hòa 286 ca. Đáng lưu ý, SXHD đang gia tăng nhanh ở người lớn, nếu như trước đây chỉ có 15 - 20% thì thời điểm hiện nay lên tới 48%. Điều đáng nói là khu vực các khu công nghiệp, khu nhiều nhà trọ, mật độ dân cư cao chiếm gần 70% số ca mắc SXHD toàn tỉnh, tuy nhiên, trong năm nay chưa ghi nhận ca tử vong do SXHD. Song song với SXHD là TCM, cũng do ảnh hưởng đuôi dịch từ cuối năm 2013, ca bệnh TCM vẫn ở mức cao. Từ những tuần đầu năm 2014 ca bệnh ở mức 103 ca/tuần có xu hướng giảm, tuy nhiên, vào những ngày đầu tháng 4/2014, tổng số ca mắc TCM  tăng cao trở lại với số ca ghi nhận được là 130 ca. Các bệnh truyền nhiễm phức tạp như cúm A/H1N1, viêm gan, sốt rét vẫn ghi nhận các ca lẻ tẻ. Đặc biệt, về diễn biến dịch bệnh sởi, trong những tháng đầu năm 2014 toàn tỉnh Đồng Nai ghi nhận hơn 700 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 619 trường hợp được chẩn đoán sởi. Cập nhật số liệu sởi từ BV Nhi đồng Đồng Nai chiếm 53,12%. Theo BS. Huỳnh Minh Hoàn, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, để kiểm soát và phòng chống dịch SXHD và TCM, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị duy trì thường xuyên hệ thống giám sát và đáp ứng dịch trên địa bàn, tập trung nâng cao chất lượng công tác thống kê, đảm bảo công tác báo cáo thống kê và thông tin phản hồi giữa hai hệ dự phòng và điều trị. Truyền thông tại các hộ gia đình khi phát hiện ca mắc TCM. Đồng thời triển khai phun hóa chất dập dịch trên diện rộng trên các huyện.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, theo báo cáo của Sở Y tế Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đầu năm 2014 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.509 ca mắc TCM, trong đó có 1 trường hợp tử vong; 605 ca sốt xuất huyết (SXH) trong đó có 10 ca nặng; 27 ca mắc bệnh sởi... Trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch, ngành y tế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã thực hiện các biện pháp kiểm soát bệnh dịch như: xử lý các ổ dịch, đẩy mạnh công tác truyền thông cho người dân về phòng, chống bệnh; tổ chức kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch; tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ làm công tác dự phòng; tổ chức các đợt tiêm chủng mở rộng, tiêm vét cho người dân; khám điều trị cách ly tránh lây nhiễm chéo cho bệnh nhân...

Tại Khánh Hòa, theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh tuy diễn biến phức tạp nhưng vẫn được kiểm soát tốt. So với cùng kỳ, các bệnh truyền nhiễm trên người như thủy đậu, TCM, sởi đều tăng, riêng bệnh SXH giảm mạnh. Tuy nhiên, các loại bệnh này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn, nhất là bệnh SXH.

Phải có phương án để phòng tránh lây nhiễm chéo

Trước tình hình bệnh truyền nhiễm gây dịch diễn biến phức tạp, số ca sởi tuy chững lại, có chiều hướng giảm, song số ca bệnh hàng tuần còn cao, bao gồm nhiều nhóm tuổi khác nhau, đặc biệt bệnh SXH và TCM có số ca ghi nhận trên diện rộng và bắt đầu bước vào chu kỳ tăng cao hàng năm tại một số tỉnh để chủ động phòng chống và không để dịch bùng phát tạo nên tình trạng “dịch chồng dịch”. GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế đã dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương này. Theo đó, tại buổi làm việc kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đánh giá cao công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của các địa phương, nhất là có sự tham gia, đeo bám địa bàn của chính quyền các cấp, cơ quan, đoàn thể và của cán bộ ngành y tế. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, thời gian tới, khi mùa mưa đến, tình hình dịch bệnh SXH sẽ gia tăng và diễn biến phức tạp. Thứ trưởng đề nghị các địa phương cần quan tâm nhiều hơn công tác giám sát dịch bệnh, phun thuốc diệt muỗi thường xuyên trên diện rộng. Đặc biệt, tỉnh Đồng Nai cần tăng cường giám sát dịch bệnh TCM tại các nhà trẻ tư nhân, trong các khu công nghiệp và tuyên truyền người dân đưa trẻ đi tiêm vaccin phòng bệnh sởi...

Về công tác điều trị, Thứ trưởng cũng yêu cầu ngành y tế các địa phương cần tổ chức phân luồng, phân tuyến hợp lý trong bệnh viện, đồng thời yêu cầu các bệnh viện phải có phương án để phòng tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện nếu bệnh nhân tăng lên. Cùng đó Thứ trưởng đề nghị các bệnh viện cần phải làm tốt hơn nữa nhất là khâu đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ y bác sĩ về cách phòng chống lây chéo, sàng lọc bệnh, phân tuyến, thành lập khu cách ly biệt lập, đồng thời có phương án phòng chống, cách ly khi có dịch lớn xảy ra. Mặt khác, các địa phương cần đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông, huy động cả hệ thống chính trị, cộng đồng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất các ca tử vong. Đồng thời, giám sát chặt chẽ các loại bệnh, trong đó có bệnh viêm hô hấp cấp có nguồn gốc từ Trung Đông ở các cửa khẩu... Thường xuyên phát động các đợt diệt lăng quăng, khử trùng môi trường sống, bảo đảm đủ thuốc men, hóa chất phục vụ phòng, chống và điều trị bệnh dịch.     

Từ ngày 28/5 - 30/5, Khánh Hòa diễn ra Hội nghị thường niên lần thứ 9 của chương trình “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết”, hội nghị có sự tham gia của 50 nhà khoa học đến từ 9 quốc gia. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, tại Việt Nam, dịch sốt xuất huyết đang là thách thức lớn đối với y tế công cộng. Dịch này thường xuất hiện rải rác trong năm và đạt đỉnh từ tháng 7 đến tháng 10. Trung bình mỗi năm có 100.000 ca mắc, trong đó có khoảng 100 trường hợp tử vong. Vì vậy, Việt Nam rất quan tâm đến các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết có hiệu quả nhằm giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh này.

  Phương Uyên - Công Chiến

 


Ý kiến của bạn