Nhan nhản việc làm thời vụ cho sinh viên kiếm tiền tiêu Tết
Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 cho sinh viên. Hầu hết các trường đều cho sinh viên nghỉ Tết từ 2-4 tuần, có trường cho nghỉ tới gần 40 ngày.
Tranh thủ thời gian nghỉ Tết dài, nhiều sinh viên đã tìm việc làm thêm thời vụ để kiếm thêm thu nhập, vừa để chi tiêu trong dịp Tết, vừa để trang trải tiền học phí. Những việc làm thêm phổ biến dịp Tết của sinh viên thường là việc thời vụ như: phát tờ rơi, thu ngân, bán hàng, giao hàng, nhân viên siêu thị, chạy bàn, giúp việc theo giờ, trực điện thoại, bảo vệ… được đăng tải liên tục trên các diễn đàn tìm việc làm trên mạng xã hội facebook. Những dòng trạng thái "Việc làm Tết", "Việc làm thời vụ Tết",… khá phổ biến trong các hội nhóm.
Lợi dụng tâm lý nóng lòng tìm việc kiếm tiền của sinh viên, thời điểm này không ít các "doanh nghiệp ma" thừa cơ tìm cách lừa đảo, đưa sinh viên vào các bẫy việc làm để trục lợi.
Vừa thi hết học kỳ, Nguyễn Đức Anh - sinh viên năm hai Trường ĐH Hà Nội muốn tranh thủ vừa học vừa làm thêm lấy tiền tiêu vặt dịp Tết nên đã kết bạn zalo theo số điện thoại quảng cáo để tìm việc.
Đức Anh cho biết: "Phía bên tuyển dụng nói em không cần kinh nghiệm mà chỉ cần chăm chỉ thì một ngày cũng kiếm được 200.000-500.000 đồng. Tuy nhiên, họ nói em cần phải chuyển khoản 500.000 đồng tiền mua nguyên liệu ban đầu. Sau khi chuyển tiền thì em đã bị chặn cuộc gọi, không thể liên lạc hay nhắn tin được. Tất cả thông tin trên zalo đều bị xóa dấu vết. Khi không liên lạc được với số điện thoại đã nhắn tin cho em mấy ngày vừa qua thì em biết mình đã bị lừa".
Hay như Trần Vân Nhi (sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng liên tục nhận được các tin nhắn qua tài khoản zalo có nội dung giới thiệu các việc làm kiếm thêm thu nhập dịp Tết. Tin nhắn thường có thêm các đường link và số điện thoại để người có nhu cầu có thể liên hệ. Vì muốn có tiền tiêu Tết, Nhi đã trả lời một tin nhắn thì được giới thiệu việc thống kê các đơn hàng với mức thù lao 200.000 đồng/ngày. Tuy nhiên, sau một tuần thực hiện công việc, Nhi vẫn chưa được nhận tiền mà được yêu cầu tiếp tục công việc đến hết tháng sẽ được chuyển tiền làm cả tháng sau. "Em đã nhắn tin không đồng ý với nội dung yêu cầu thì bị chặn kết nối. Coi như mấy ngày vừa qua em làm việc không công".
Với trường hợp của Phạm Đức Quang, quê Phú Thọ (sinh viên năm ba Trường ĐH Giao thông vận tải) dù chưa gặp phải rủi ro nào từ công việc shipper nhưng Quang cho biết, một số bạn của em khi đi giao hàng, nhất là đồ ăn, khách không nhận, không liên lạc được với khách nên bị mất tiền hàng. "Vì lịch nghỉ Tết ở trường tương đối dài nên năm nay em quyết định không về quê đón Tết cùng gia đình. Ở thành phố vào dịp Tết, cơ hội việc làm thời vụ nhiều, em sẽ tranh thủ kiếm thêm chi phí sinh hoạt".
Cẩn trọng với những quảng cáo hấp dẫn để không bị lừa đảo
Dành lời khuyên cho các bạn sinh viên tìm việc thời vụ dịp Tết, một giảng viên Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho rằng, đa phần sinh viên của trường là ngoại tỉnh, không ít sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nên các em tìm kiếm việc làm thêm, làm thời vụ là việc làm chính đáng. Tuy nhiên, trước nhiều chiêu trò lừa đảo sinh viên tìm việc làm thêm dịp cuối năm qua không gian mạng, các em cần hết sức tỉnh táo để tránh bị "sập bẫy" của nhiều nhóm đối tượng quảng cáo, mời chào "việc nhẹ, lương cao".
Để tìm một việc làm thêm như ý trước và trong dịp tết, các em sinh viên có thể liên hệ đến Đoàn - Hội của trường, các phòng quan hệ doanh nghiệp thuộc các trường đại học, cao đẳng hoặc những trung tâm giới thiệu việc làm để tìm hiểu. Đây chính là những đầu mối uy tín, có thể kết nối sinh viên đến làm việc tại những doanh nghiệp có hợp tác, giúp sinh viên có công việc phù hợp và an toàn. "Dù các em làm việc gì, kiếm thêm được bao nhiêu tiền thì cũng phải chú ý giữ gìn sức khỏe, sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng tới việc học trước và sau Tết".
Liên quan đến vấn nạn lừa đảo "việc nhẹ, lương cao" khiến nhiều người sập bẫy dịp cận Tết, ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, các kênh giới thiệu việc làm qua mạng rất đa dạng, người tìm việc không lường hết được hoạt động tinh vi của các đối tượng lừa đảo, nhiều bạn trẻ tìm hiểu không kỹ lưỡng, ham lợi nhuận cao ban đầu rất dễ mắc bẫy.
"Thông thường, các thông tin tuyển dụng lừa đảo không thông tin rõ ràng về địa chỉ nơi tuyển dụng mà chỉ có số điện thoại hoặc liên hệ qua mạng xã hội. Hầu hết các thông tin tuyển dụng trên mạng phải đóng tiền hoặc yêu cầu người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động đều là lừa đảo. Ngồi một chỗ kiếm "việc nhẹ, lương cao" không bao giờ có. Người lao động cần cảnh giác, đặc biệt vào thời điểm gần Tết".
Theo ông Thành, để tìm kiếm việc làm thêm cần tìm hiểu thật kỹ về công ty, đơn vị, doanh nghiệp mà mình dự kiến xin vào, tìm hiểu tính chất công việc, vị trí việc làm, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ xoay quanh vị trí việc làm đó. Tìm hiểu, kiểm tra pháp nhân của doanh nghiệp, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp, chế độ, quyền lợi cách thức ký hợp đồng... tìm hiểu rõ ràng, minh bạch rất quan trọng.