- Cánh già ta mới biết nghĩa từ “kiểm thảo” chứ cánh trẻ bây giờ không hiểu “kiểm thảo” là gì đâu! Nhưng sao bác lại nhớ đến từ này?
- Ngày xưa bị đưa ra tập thể kiểm thảo là hãi lắm.
- Già rồi có khác, lại nhớ chuyện ngày xưa!
- Nhưng ngày nay... Các anh công an xử phạt vi phạm Luật giao thông cách đây vài tháng có thêm biện pháp gửi thông báo về địa phương nơi cư trú hoặc nơi công tác!
- Hay! Cần kết hợp xử phạt với giáo dục tư tưởng. CSGT phạt, cơ quan kiểm điểm hạ bậc thi đua rồi báo lại...
- Nhưng 8.000 thông báo gửi đi chỉ có 38 trường hợp báo lại. Không biết nơi nhận giấy thông báo có kiểm điểm người vi phạm luật giao thông không hay họ vứt luôn thông báo ấy đi...
- Vứt thì không vứt nhưng có thể họ... cười! Người đi ôtô thì khỏi nói nhưng những ai đi xe máy liệu có ai không một lần vượt đèn đỏ (nếu thấy vắng bóng CSGT) hoặc phi lên vỉa hè lúc tắc đường...
- Nghĩa là chuyện vi phạm luật giao thông đa thành bệnh xã hội phổ biến?
- Chỉ khổ cơ quan CSGT tốn thêm thì giờ viết thông báo, tiền cước phí gửi thông báo...
- Vậy đành chịu!
- Cứ phạt thật mạnh, mức thật cao những ai cố tình vi phạm nhưng phải biết “tha” những ai vô tình. Người bị phạt xót tiền đố dám tái phạm. Người được “tha” coi như được CSGT tặng một khoản tiền to, tặng sự thông cảm họ sẽ cảm tình CSGT hơn và tích cực tuyên truyền về Luật giao thông.
- Thế nhỡ...
- Sợ tiêu cực chứ gì? Phạt nặng, mức cao có “cưa đôi” để không bị giữ xe, không lập biên bản cũng không ai dám... Bảo đảm trật tự giao thông được cải thiện ngay như chuyện đội mũ bảo hiểm ấy!
- Rất hay nhưng sợ rằng không khả thi!
- Sao?
- Không ai vi phạm giao thông, không có ai bị “tuýt còi dừng xe” thì sợ rằng nhiều anh CSGT... buồn!
CẢ NGHĨ