Hà Nội

Kiểm soát và phòng ngừa tăng thân nhiệt

11-06-2017 07:50 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tăng thân nhiệt là một tình trạng đặc trưng bởi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng tăng thân nhiệt cũng giống như sốt, nhưng bản chất không giống nhau.

Tăng thân nhiệt là một tình trạng đặc trưng bởi nhiệt độ cơ thể cao hơn bình thường. Mặc dù nhiều người nghĩ rằng tăng thân nhiệt cũng giống như sốt, nhưng bản chất không giống nhau.

Thông thường, trong sốt, cơ thể con người có xu hướng chống lại nhiễm trùng bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể. Tuy nhiên, trong trường hợp tăng thân nhiệt, nhiệt độ cơ thể tăng không do nhiễm trùng. Thay vào đó, các cơ chế điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể trở nên tạm thời không đáp ứng kịp với những thay đổi của cơ thể và môi trường xung quanh, làm cho cơ thể khó để loại bỏ nhiệt một cách nhanh chóng.

Nguyên nhân gây tăng thân nhiệt

Cơ thể con người tăng thân nhiệt trong thời tiết nóng hoặc trong suốt giai đoạn hoạt động thể lực mạnh mẽ. Mồ hôi bốc hơi từ da, làm cho cơ thể nguội đi. Trong trường hợp tiếp xúc lâu dài với nhiệt độ cao, cơ thể người sẽ mất khả năng phản ứng hiệu quả và làm mát không đạt yêu cầu. Những tình trạng này có thể gây ra tăng thân nhiệt.Mùa hè cần uống nhiều nước để hạ thân nhiệt.

Mùa hè cần uống nhiều nước để hạ thân nhiệt.

Nhiều yếu tố đóng vai trò quan trọng trong tăng thân nhiệt như bị phơi dưới ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài, không uống đủ nước trong ngày, sống ở những nơi nóng bức ngột ngạt, làm việc quá sức...

Các yếu tố sức khỏe có thể làm dễ tăng thân nhiệt bao gồm: tăng huyết áp; bệnh tim; bệnh thận; bệnh phổi; tuần hoàn kém; tuyến mồ hôi hoạt động không hiệu quả; giảm tiết mồ hôi; thừa cân hoặc béo phì; uống nhiều rượu...

Các triệu chứng của tăng thân nhiệt

Các triệu chứng được liệt kê dưới đây. Trong số đó, kiệt sức do nhiệt và sốc nhiệt là những hình thức phổ biến và nghiêm trọng của tăng thân nhiệt. Sốc nhiệt là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng đòi hỏi sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

1. Căng thẳng do nhiệt (heat stress): là một tình trạng đặc trưng bởi một sự căng thẳng cơ thể do thời tiết nóng.

2. Mệt mỏi do nhiệt: là một tình trạng đặc trưng bởi sự yếu đi của cơ thể do nhiệt độ cao. Một người bị mệt mỏi do nóng có một làn da ẩm ướt và lạnh với một mạch đập ngoại vi yếu. Nặng hơn, một người bị mệt mỏi vì nóng có thể ngất lịm.

3. Ngất do nhiệt: là tình trạng yếu người đột ngột, chóng mặt và ngất xỉu do nhiệt độ ngoài trời cao. Da của người bị ảnh hưởng biểu hiện ẩm, lạnh, nhợt nhạt và rịn mồ hôi xuất hiện cùng một lúc. Nhịp tim tăng cao hơn trong khi mạch ngoại vi yếu đi.

4. Chuột rút do nhiệt: là tình trạng co thắt cơ xảy ra ở các chi dưới hoặc chi trên, hoặc ngay ở cả cơ bụng. Những co thắt cơ xảy ra do thiếu muối trong cơ thể, xuất hiện ở người tiếp xúc với nhiệt kéo dài.

5. Kiệt sức do nhiệt: là một tình trạng mà người bị ảnh hưởng có dấu hiệu khát, yếu người, mất khả năng phối hợp theo yêu cầu. Ngoài ra, người bị ảnh hưởng cũng cảm thấy buồn nôn. Mạch bình thường hoặc tăng lên.

6. Sốc do nhiệt: là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, đòi hỏi sự giúp đỡ y tế ngay lập tức. Nhiệt độ cơ thể tăng lên, thường cao hơn 400C. Các dấu hiệu và triệu chứng khác của sốc do nhiệt bao gồm nhịp tim nhanh, rối loạn hành vi, có thể là mê sảng và thậm chí là hôn mê. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiệt độ cơ thể cao có thể dẫn đến thương tổn não không thể hồi phục.Nắng nóng khi ra đường cần đảm bảo trang phục chống nắng đầy đủ.

Nắng nóng khi ra đường cần đảm bảo trang phục chống nắng đầy đủ.

Làm thế nào để điều trị và kiểm soát tăng thân nhiệt?

Trước hết, khi muốn kiểm soát tốt tăng thân nhiệt, điều quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra tăng thân nhiệt.

Nếu nguyên nhân tăng thân nhiệt do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì cần phải di chuyển người bị ảnh hưởng đến nơi mát mẻ và thông thoáng. Uống nhiều nước cùng một lúc sẽ giúp làm giảm các dấu hiệu và triệu chứng tăng thân nhiệt. Điều quan trọng là cần tránh uống rượu và caffein.

Nếu tăng thân nhiệt xảy ra khi sử dụng thuốc, cần phải chấm dứt ngay thuốc đang dùng. Trao đổi ngay với bác sĩ để có hướng xử trí thích hợp.

Làm mát cơ thể là một lựa chọn điều trị tăng thân nhiệt hiệu quả nhanh. Cho người bị ảnh hưởng ở trong một khu vực mát, có máy lạnh hoặc bóng râm, quần áo đang mặc cần thoải mái và nhẹ nhàng. Sử dụng quạt làm mát, máy điều hòa không khí hoặc thậm chí có một bồn tắm bọt biển với nước mát sẽ giúp làm giảm nhiệt độ cơ thể, bất kể nguyên nhân gây ra tăng thân nhiệt.

Một lựa chọn khác để giảm nhiệt độ cơ thể là có thể chườm miếng vải lạnh và ướt ở một số nơi của cơ thể như ở háng, nách, cổ hoặc cổ tay sẽ giúp làm mát nhiệt độ cơ thể.

Trong những trường hợp nặng của tăng thân nhiệt, đặc biệt là trong trường hợp sốc nhiệt, cần phải vào viện cấp cứu sau khi sơ cứu ban đầu. Việc điều trị trong những trường hợp này bao gồm truyền tĩnh mạch và các biện pháp chuyên sâu khác.

Một số biện pháp giúp phòng ngừa tăng thân nhiệt

Tránh tiếp xúc lâu dưới ánh sáng mặt trời. Ra ngoài trời nắng nóng, nên mặc bảo hộ chống nắng.

Uống nhiều chất lỏng mỗi ngày. Khuyến cáo uống 8 ly nước (mỗi ly chứa khoảng 200ml) mỗi ngày, nhưng một số chuyên gia y tế khuyên rằng nên uống nhiều hơn, khoảng 3 lít một ngày cho nam giới và 2,2 lít một ngày cho phụ nữ. Tốt nhất, nên bù đủ nước và điện giải bằng oresol trong những ngày nắng nóng gay gắt.

Mặc quần áo bằng vải cotton nhẹ.

Ở trong một khu vực mát mẻ và có bóng râm.

Tránh các hoạt động làm tăng thân nhiệt cơ thể.

Hãy tắm và lau mát cơ thể nhiều lần khi thời tiết nóng và ẩm.

Tránh uống đồ uống có cồn cũng như đồ uống có chứa caffein.


BS. Hoài Châu
Ý kiến của bạn