Kiểm soát từ cơ sở chế biến và cung ứng phòng tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Đắk Lắk

30-09-2023 17:11 | Xã hội
google news

SKĐS – BVĐK vùng Tây Nguyên cách đây không lâu đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân dân tộc Dao bị ngộ độc do ăn cà độc dược. Ngoài độc tố tự nhiên, nguy cơ dùng hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng, hàng giả… của người dân rất lớn, đòi hỏi việc kiểm soát từ cơ sở chế biến và cung ứng chặt chẽ hơn

Phát huy vai trò của phụ nữ tôn giáo trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩmPhát huy vai trò của phụ nữ tôn giáo trong công tác vệ sinh an toàn thực phẩm

SKĐS – Phụ nữ vừa là người sản xuất trực tiếp, kinh doanh vừa thụ hưởng thực phẩm an toàn. Những mô hình, cách làm hay của phụ nữ tôn giáo đã phát huy truyền thống “tốt đời, đẹp đạo” phục vụ phước lợi cho nhân sinh.

Ngộ độc vì ăn nhầm cà độc dược

Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cách đây không lâu đã tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân tại huyện Ea Súp bị ngộ độc do ăn cà độc dược. Các bệnh nhân là người dân tộc Dao, trú tại xã Cư M’Lan, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, các bệnh nhân S.M.L (SN 1966), P.V.P (SN 2003), P.V.P (SN 2015), P.T.T (SN 2016) và P.V.Q (SN 2019) đã cùng nhau ăn cà độc dược. Sau ăn, các bệnh nhân đều có tình trạng sốt, co giật nên nhập Trung tâm Y tế huyện Ea Súp, sau đó chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên để điều trị.

Các chuyên gia cho biết, thành phần hóa học của cây cà độc dược là alkaloid có khả năng gây ngộ độc nếu chế biến không đúng cách. Bộ Y tế khuyến cáo không nên trồng trong nhà dân và nơi công cộng. Tuy nhiên do nhận thức của người dân, nhất là bà con ở vùng sâu vùng xa vẫn lựa chọn để sử dụng.

Kiểm soát từ cơ sở chế biến và cung ứng phòng tránh nguy cơ mất an toàn thực phẩm ở Đắk Lắk - Ảnh 2.

Bệnh nhân ngộ độc điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những độc tố tự nhiên cao gây ảnh hưởng sức khỏe rất lớn. Thời gian qua người dân tộc Dao ở Đắk Lắk, ngoài cà độc dược cũng đã có những trường hợp ngộ độc vì sử dụng thực phẩm từ tự nhiên như nấm, cây rừng không rõ nguồn gốc…

Người dân ở vùng cao với điều kiện đi lại khó khăn, mỗi lần đi chợ lại có thói quen mua thực phẩm dự trữ cho nhiều ngày. Trong khi đó, điều kiện bảo quản của bà con lại rất sơ sài, thiếu thốn, dẫn đến thực phẩm hư hỏng nhanh. Rau mua cũng chỉ biết mua chứ bà con chưa có cách gì để khẳng định là sạch hay không sạch. Đây cũng là những nguy cơ tiềm ẩn ngộ độc thực phẩm rất lớn.

Kiểm soát từ cơ sở chế biến và cung ứng

Với đặc thù địa bàn tỉnh Đắk Lắk với nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số không có nhiều tiền trong khi nhu cầu đòi hỏi thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày vẫn không thể thiếu. Lợi dụng tâm lý này, kẻ xấu tuồn các mặt hàng hết hạn sử dụng, kém chất lượng, hàng giả đến để phục vụ bà con. Kinh tế khó khăn, tâm lý ham rẻ nên nhiều người mua với số lượng nhiều về sử dụng. Và đây cũng là nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ngộ độc tập thể dễ xảy ra ngoài nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ những độc tố tự nhiên.

Việc kiểm soát từ cơ sở chế biến và cung ứng đòi hỏi chặt chẽ hơn. Trên địa bàn tỉnh qua công tác kiểm tra, bắt giữ, xử lý vi phạm về thực phẩm nhập lậu đã bắt giữ nhiều cơ sở không đảm bảo công tác an toàn thực phẩm. Kết quả ban đầu của Thanh tra Sở Công Thương tính đến 25/9/2023, có 02 cơ sở vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP, đã bị xử lý vi phạm hành chính về ATTP đối với 01 cơ sở sản xuất thực phẩm, hình thức phạt tiền với tổng số tiền phạt là 3 triệu đồng, với hành vi vi phạm: Không duy trì bảo đảm vệ sinh nơi kinh doanh thực phẩm đã qua chế biến.

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, kịp thời ngăn chặn tình trạng tuồn các mặt hàng không đảm bảo chất lượng, vi phạm các quy định về địa bàn vùng sâu, vùng xa cho người dân tộc thiểu số, công tác tuyên truyền đa dạng các hình thức phong phú, bằng nhiều thứ tiếng tới đồng bào đã được triển khai.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các hộ kinh doanh, trú trọng tới các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các mặt hàng này. Đồng thời, phát huy vai trò của những người uy tín, các chức sắc tôn giáo, người dân… vào cuộc quyết liệt hơn, để kiểm soát thực phẩm trôi nổi không rõ nguồn gốc xuất xứ trên địa bàn.

Đối với các trường hợp vi phạm thuộc diện phải thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thanh tra, kiểm tra, các đơn vị chức năng và các địa phương phải kịp thời công bố công khai vi phạm, tên tổ chức cá nhân vi phạm và các thông tin liên quan để cảnh báo cho cộng đồng nhằm hạn chế được tình trạng ngộ độc thực phẩm.


H.My
Ý kiến của bạn