Tăng huyết áp (THA) là bệnh mạn tính nên cần theo dõi đều, điều trị đúng và đủ một cách liên tục (lâu dài, suốt đời). THA bản thân nó lại là một yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của các bệnh lý tim mạch như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh lý mạch máu não, bệnh động mạch ngoại biên, phình tách động mạch chủ,... nên điều trị THA ngoài việc giúp đưa con số huyết áp về mức bình thường còn làm giảm được nguy cơ bị các biến chứng nêu trên.
Huyết áp mục tiêu cần đạt là dưới 140/90mmHg, nếu bệnh nhân bị tiểu đường thì con số huyết áp mục tiêu được khuyến cáo bởi Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) năm 2013 là dưới 140/85mmHg, người có tuổi có mức huyết áp tâm thu ≥ 160 mmHg nên được điều chỉnh về mức khoảng 140-150mmHg một cách từ từ, tránh thay đổi đột ngột. Tuy nhiên, căn cứ theo từng bệnh cảnh và cơ địa bệnh nhân cụ thể, người thầy thuốc sẽ đưa ra phương thức điều trị hợp lý nhất cho người bệnh.
Các biện pháp thay đổi lối sống: Đây là điều trị không thể thiếu mà mọi bệnh nhân cần phải thực hiện để đạt được huyết áp mục tiêu và giảm số thuốc cần dùng. Các biện pháp đó là:
- Chế độ ăn hợp lý, đảm bảo đủ kali và các yếu tố vi lượng. Ăn nhạt: Dưới 5-6g muối/ngày; Tăng cường rau xanh, hoa quả tươi; Hạn chế thức ăn có nhiều cholesterol và acid béo no.
- Tích cực giảm cân (nếu quá cân), duy trì cân nặng lý tưởng - Cố gắng duy trì vòng bụng dưới 90cm ở nam và dưới 80cm ở nữ.
- Hạn chế uống rượu, bia.
- Ngừng hoàn toàn việc hút thuốc lá hoặc thuốc lào.
- Tăng cường hoạt động thể lực ở mức thích hợp: tập thể dục, đi bộ nhẹ nhàng hoặc vận động ở mức độ vừa phải, đều đặn khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày.
- Tránh lo âu, căng thẳng thần kinh; cần thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý.
- Tránh bị lạnh đột ngột.
Điều trị THA bằng thuốc: Có rất nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng điều trị giúp hạ huyết áp. Mỗi thuốc này có những ưu nhược điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người bệnh khác nhau. Người bệnh cần được khám tổng thể và đo huyết áp tại các cơ sở y tế để được bác sĩ đánh giá tổng thể các yếu tố nguy cơ, áp dụng phác đồ điều trị phù hợp và tư vấn về thay đổi lối sống, cách sử dụng thuốc và các tác dụng phụ của thuốc hạ áp.
Các nhóm thuốc chính dùng để điều trị THA gồm có:
- Thuốc ức chế men chuyển
- Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chẹn kênh canxi
- Thuốc chẹn beta giao cảm
Căn cứ vào mức độ THA, vào cơ địa, tuổi và các bệnh phối hợp khác trên từng người bệnh mà người thầy thuốc sẽ quyết định lựa chọn loại thuốc nào (đơn trị liệu hay phối hợp thuốc hạ áp) để có thể đạt hiệu quả điều trị cao nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn của thuốc.
Ngoài việc theo dõi thường xuyên con số huyết áp, người bệnh cần được định kỳ kiểm tra một số xét nghiệm như: phân tích nước tiểu; xét nghiệm sinh hóa máu; xét nghiệm về huyết học... nhằm đánh giá tổng thể và chi tiết hơn về THA.
Các biện pháp tích cực thay đổi lối sống chính là những biện pháp để phòng THA ở người trưởng thành. Nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh THA, biến chứng của THA và các yếu tố nguy cơ tim mạch khác... sẽ giúp mỗi chúng ta phòng chống và điều trị thành công THA.
Chương trình PCTHA - Viện Tim mạch Quốc gia