Đề cập đến vấn đề này, Thạc sĩ - bác sĩ Trần Công Duy – Giảng viên bộ môn Nội, Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ rất cụ thể
Thưa bác sĩ, những nguyên nhân nào khiến huyết áp thường tăng đột ngột vào buổi sáng?
Ths-Bs. Trần Công Duy: Huyết áp thường tăng đột ngột vào buổi sáng là do hệ thần kinh giao cảm – thể dịch hoạt động mạnh nhất vào buổi sáng, cơ thể tăng tiết các chất làm tăng kháng lực mạch máu, cung lượng tim và thể tích tuần hoàn. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc hạ áp có tác dụng ngắn có thể gây ra tình trạng thuốc hết tác dụng khi bệnh nhân tỉnh dậy Các biến chứng, đặc biệt là đột quỵ, thường xảy ra vào lúc này khi huyết áp đột ngột vọt lên cao.
Vậy đâu là đối tượng dễ mắc tăng huyết áp buổi sáng?
Ths-Bs. Trần Công Duy: Tăng huyết áp buổi sáng sớm thường gặp ở các đối tượng như đái tháo đường, thừa cân, béo phì, căng thẳng tinh thần, thời tiết lạnh, thời gian ngủ lâu và thức dậy muộn…
Khi huyết áp tăng vào buổi sáng, bệnh nhân cần phải làm gì để hạ huyết áp và ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ, thưa bác sĩ?
Ths-Bs. Trần Công Duy: Khi huyết áp buổi sáng sớm cao trên 140/90 mmHg, bệnh nhân cần bình tĩnh và không nên dùng các chất kích thích như cà phê, rượu bia, thuốc lá… Tránh sử dụng các biện pháp dân gian chưa được chứng minh khoa học như uống nước chanh, cạo gió, đâm kim vào đầu ngón tay để trích máu…Đối với bệnh nhân chưa phát hiện bị tăng huyết áp, hoặc đã được chẩn đoán bệnh tăng huyết áp nhưng không tiến hành điều trị thường xuyên thì khi huyết áp buổi sáng tăng trên 140/90 mmHg, bệnh nhân cần đến ngay các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, và tư vấn điều trị.
Kiểm soát tốt huyết áp để có trái tim khỏe mạnh
Vậy có cách nào để ngăn ngừa huyết áp tăng cao đột ngột vào buổi sáng không, thưa bác sĩ?
Ths-Bs. Trần Công Duy: Để kiểm soát huyết áp ở mức dưới 140/90 mmHg, song song với việc điều chỉnh lối sống, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị bằng thuốc do bác sĩ chỉ định. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm: giảm ăn mặn, tập thể dục đều đặn, duy trì cân nặng hợp lí , bỏ hút thuốc lá, hạn chế rượu bia…Bên cạnh đó, bệnh nhân cần dùng thuốc hạ áp tác dụng kéo dài 24 giờ theo chỉ định của bác sĩ để đến sáng hôm sau nồng độ thuốc trong máu vẫn đủ để duy trì tác dụng hạ áp... Quan trọng nhất, bệnh nhân cần dùng thuốc đều đặn mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ ngay cả khi huyết áp về bình thường, không tự ý thay đổi liều dùng hay ngừng thuốc, theo dõi huyết áp tại nhà, tái khám định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng huyết áp, biến chứng và các bệnh lý đi kèm.
Xin chân thành cảm ơn bác sĩ.
(Nguồn: Dược phẩm Pfizer)