Vợ tôi 28 tuổi, có thai lần đầu được 5 tháng. Lúc này cô ấy lên 12kg so với trước khi mang thai. Vừa rồi đi xét nghiệm máu mấy lần thì bác sĩ thông báo vợ tôi bị đái tháo đường. Xin cho biết vợ và con tôi có bị làm sao không và làm cách nào để phòng ngừa?
Vũ Bình Minh (Bắc Ninh)
Ước tính khoảng 5 - 7% phụ nữ có thai bị bệnh đái tháo đường. Họ có thể đã được chẩn đoán từ trước khi có thai hoặc chỉ được chẩn đoán đái tháo đường lần đầu tiên trong khi đang mang thai (những thai phụ này được gọi là đái tháo đường thai kỳ). Theo như anh kể thì vợ anh đã bị đái tháo đường thai kỳ. Trước mắt, vợ anh phải đến các bệnh viện có chuyên khoa nội tiết để được tư vấn về chế độ ăn, dùng thuốc và theo dõi đường máu để tránh các biến chứng cho cả mẹ và con. Về lâu dài, đa phần những bệnh nhân đái tháo đường thai kỳ sau khi sinh thì đường máu sẽ trở về bình thường, nhưng cũng có khoảng 5% sẽ trở thành đái tháo đường thực sự trong những năm sau đó. Để phát hiện sớm bệnh đái tháo đường thì vợ anh cần đi khám hàng năm để được làm các xét nghiệm, thăm dò thích hợp.
Còn đối với thai nhi của những thai phụ bị đái tháo đường, nếu không được điều trị tốt, có thể bị một số biến chứng nguy hiểm cả trước và sau khi đẻ, thậm chí ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của đứa trẻ sau này. Đó là:
Các dị tật bẩm sinh: Tỷ lệ bị dị tật bẩm sinh ở những đứa trẻ là con của các bà mẹ được kiểm soát đường máu kém là 6-15%, so với 2% ở những đứa trẻ của các bà mẹ không bị đái tháo đường hoặc có đái tháo đường nhưng đường máu được kiểm soát tốt cả trước và trong thời gian mang thai. Các dị tật bẩm sinh hay gặp và thời gian xuất hiện dị tật là:
- Dị tật hệ thần kinh như không có não, thoát vị màng tủy sống... Các dị tật này hay xảy ra hơn nếu sản phụ không được kiểm soát đường máu tốt. Vào tuần thứ 14-16 của thai kỳ, các bác sĩ có thể đo nồng độ alpha fetoprotein trong máu để phát hiện những thai nhi có thể bị dị tật ống sống nhẹ, ví dụ như tật nứt đốt sống. Muộn hơn, ở tuần 18-22, có thể sử dụng các phương pháp siêu âm hiện đại hơn để phát hiện các dị tật ở tim hoặc ở các cơ quan khác của cơ thể.
- Thai to trên 4.000g: Nhiều thai nhi của các bà mẹ được kiểm soát đường máu không tốt có trọng lượng to so với tuổi thai. Những đứa trẻ này có nguy cơ cao bị các chấn thương trong khi sinh, thường gặp là trật khớp vai.
- Đa ối: là tình trạng có quá nhiều nước ối (1.000 - 3.000ml) làm cho các sản phụ rất khó chịu hoặc đau nhiều trước khi đẻ và thường kết hợp với thai to. Tăng thể tích nước ối liên quan đến đường máu tăng, đồng thời các chất tan trong nước ối hoặc thai bài tiết quá nhiều nước tiểu hoặc giảm nuốt hoặc do rối loạn vận chuyển nước qua các khoang trong buồng tử cung.
- Thai kém phát triển: Do bà mẹ bị mắc đái tháo đường lâu và đã có biến chứng mạch máu, có thể dẫn đến sự kém tưới máu nuôi dưỡng cho tử cung - nhau thai, hậu quả thai bị kém phát triển, có thể chỉ nặng khoảng 2.000g.
- Sảy thai hoặc chết lưu: Nhiều phụ nữ mắc đái tháo đường mà không biết để được điều trị nên bị sảy thai hoặc thai chết lưu nhiều lần.
Chính vì đường máu người mẹ trong giai đoạn sớm của thai kỳ có liên quan tới tỷ lệ thai nhi bị dị tật nên các biện pháp can thiệp phòng ngừa các dị tật muốn có kết quả phải được tiến hành rất sớm và thường xuyên, cụ thể là phải kiểm soát tích cực đường máu trước khi có thai và trong suốt thời kỳ mang thai.