Nguy cơ mắc bệnh chủ yếu do lối sống có hại cho sức khỏe và các yếu tố môi trường không thuận lợi. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính được quan tâm hiện nay là các bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ...); các thể ung thư; đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản). Những bệnh này có tỷ lệ mắc cao và là nguyên nhân chủ yếu gây tàn tật và tử vong ở người trưởng thành ở nước ta.
Thực trạng bệnh không lây nhiễm hiện nay
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các BKLN đang là thách thức của toàn cầu, gánh nặng rất lớn đối với xã hội và ngành y tế. Hiện nay, các BKLN thường bị hiểu nhầm chỉ là vấn đề sức khỏe của các nước có thu nhập cao. Trong khi đó, 80% gánh nặng của các bệnh này chủ yếu là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Hiện nay, mỗi năm các bệnh không lây nhiễm đã gây tử vong khoảng 40 triệu người, tương đương 70% tổng số trường hợp tử vong trên toàn thế giới. Đây là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở hầu hết quốc gia ở châu Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, và Tây Thái Bình Dương. Trong đó, bệnh tim mạch khiến nhiều người tử vong nhất (17,7 triệu người), tiếp đến là ung thư (8,8 triệu người), bệnh đường hô hấp (3,9 triệu), đái tháo đường (1,6 triệu). Ước tính đến năm 2020, số người tử vong do các BKLN trên toàn cầu sẽ lên tới 44 triệu người và tiếp tục có xu hướng gia tăng.
Việt Nam là một trong những quốc gia đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép. Ngoài các bệnh truyền nhiễm khác nhau thì các BKLN đang có những diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh chóng, xảy ra ở mọi nhóm tuổi khác nhau. Tính riêng trong năm 2012, nước ta có 520.000 trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó số ca tử vong do các BKLN là 379.000 ca. Theo đó, cứ 10 người tử vong thì có hơn 7 người mắc các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi mạn tính. Chưa có con số thống kê chính xác, nhưng ước tính trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, phổi mạn tính và gần 120.000 ca mắc mới ung thư... chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Các bệnh không lây nhiễm gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% chết trước 70 tuổi.
Các yếu tố nguy cơ
Hút thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất khác nhau, trong đó có hàng trăm loại hóa chất có hại cho sức khỏe bao gồm hơn 70 chất gây ung thư. Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ của hàng loạt các BKLN như: Tai biến mạch máu não, bệnh đường hô hấp mạn tính như bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư (phổi, gan, dạ dày, vòm họng, thực quản, tụy, cổ tử cung, miệng, bạch cầu), bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường…
Hút thuốc lá là nguyên nhân gây nhiều bệnh nguy hiểm
Sử dụng rượu bia quá mức: Sử dụng rượu, bia quá mức sẽ dẫn tới mắc các bệnh mạn tính như rối loạn tâm thần do sử dụng rượu, xơ gan, tai biến mạch máu não, ung thư gan, ung thư miệng hầu họng, ung thư thực quản, ung thư vú…
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Chế độ ăn uống không hợp lý đã được chứng minh có liên quan đến các BKLN như ăn không đủ rau, ăn nhiều muối, nhiều đường, nhiều chất béo và dư thừa năng lượng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các BKLN như béo phì, tim mạch, đái tháo đường…
Thiếu hoạt động thể lực: Ít hoạt động thể lực cũng là nguyên nhân gây nên các BKLN như loãng xương, viêm xương khớp, đau lưng, béo phì, bệnh tim mạch, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư trực tràng, trầm cảm, lo âu, căng thẳng…
Tăng huyết áp: Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính gây nên tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành và các bệnh tim mạch khác.
Tăng cholesterol máu: Hàm lượng cholesterol toàn phần trong máu cao là yếu tố nguy cơ của bệnh tim thiếu máu cục bộ và tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ.
Đường huyết tăng lúc đói: Đường huyết tăng lúc đói là chỉ số chẩn đoán đái tháo đường, nhưng đồng thời là yếu tố nguy cơ cho nhiều vấn đề sức khỏe khác, như bệnh tim thiếu máu cục bộ, tai biến mạch máu não và suy thận khi đường máu chưa đến mức được chẩn đoán đái tháo đường.
Thừa cân và béo phì: Chỉ số khối cơ thể cao (BMI) được sử dụng để đánh giá tình trạng dinh dưỡng ở người lớn, đặc biệt để xác định tình trạng thừa cân, béo phì. Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây nên ung thư đường tiêu hóa và một số loại ung thư khác, bệnh tim mạch, bệnh thận mạ n tính, thấp khớp và đau vùng lưng dưới…
Chúng ta có thể làm gì để phòng ngừa bệnh không lây nhiễm?
Mặc dù BKLN đang có những con số báo động, nhưng chúng ta có thể ngăn ngừa được bằng việc can thiệp vào các yếu tố nguy cơ (YTNC). Các YTNC này thuộc hành vi lối sống sinh hoạt hàng ngày. Kiểm soát tốt các YTNC là cách hiệu quả nhất trong phòng chống BKLN.
Để có thể can thiệp vào các YTNC này trước hết, với ngành y tế, đặc biệt là công tác y tế dự phòng cần nâng cao nhận thức cho người dân, cùng với vận động chính sách và hành động có vai trò quan trọng trong việc phòng chống BKLN. Nếu các yếu tố nguy cơ chính của bệnh mạn tính được loại bỏ thì khoảng 3/4 số ca bệnh tim, đột quỵ và đái tháo đường týp 2 và 40% số ca ung thư sẽ được ngăn ngừa.
Công tác phòng chống BKLN hiện đang được thực hiện trên cơ sở áp dụng các chiến lược và các khung chính sách của WHO, như:
Giảm sử dụng thuốc lá: Giảm khả năng chấp nhận về tài chính bằng cách tăng thuế tiêu thụ thuốc lá; trên cơ sở luật pháp, xây dựng môi trường hoàn toàn không khói thuốc tại tất cả những nơi làm việc (trong nhà, nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng); cảnh báo người dân về sự nguy hiểm của thuốc lá và khói thuốc lá thông qua các hình thức cảnh báo có hiệu quả và các chiến dịch trên phương tiện thông tin đại chúng; cấm tất cả các hình thức quảng cáo, khuyến mại và tài trợ liên quan đến thuốc lá.
Tránh lạm dụng rượu: Tăng thuế đồ uống có cồn; hạn chế và nghiêm cấm toàn diện đối với hoạt động quảng cáo và khuyến mại rượu và hạn chế bán lẻ rượu.
Xây dựng chế độ ăn không hợp lý và tăng cường vận động thế lực: Giảm muối thông qua các chiến dịch trên phương tiện thông tin đại chúng, giảm hàm lượng muối trong thức ăn chế biến sẵn; thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa; nâng cao nhận thức công chúng về chế độ ăn và vận động thể lực.
Luyện tập đều đặn giúp tăng cường sức khỏe.
Tuân thủ dùng thuốc trong bệnh đái tháo đường và tim mạch: Phối hợp nhiều loại thuốc (bao gồm thuốc kiểm soát đường huyết đối với bệnh đái tháo đường) cho các cá nhân đã từng bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ, và những người có nguy cơ cao đối với các tai biến tim mạch trong vòng 10 năm tới.
Tiêm vắc- xin phòng chống ung thư: Hiện nay, không phải tất cả các loại ung thư đã có vắc-xin để phòng ngừa. Nhưng hai loại ung thư thường gặp là ung thư gan và ung thư cổ tử cung đã có thể phòng ngừa bằng biện pháp tiêm vắc-xin. Phòng ngừa ung thư gan thông qua tiêm chủng viêm gan B và phòng ngừa ung thư cổ tử cung bằng tiêm vắc-xin HPV. Các loại ung thư khác có thể phòng ngừa thông qua khám sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị từ giai đoạn tiền ung thư…