Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường

SKĐS - Với người bệnh đái tháo đường, kiểm soát cả đường huyết và mức độ cholesterol là rất quan trọng. Trong đó người bệnh đảm bảo sẽ nhận đủ các chất dinh dưỡng có thể giúp cải thiện lượng đường trong máu và mức cholesterol.

Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, bệnh đái tháo đường có thể gây ra tình trạng máu nhiễm mỡ/rối loạn mỡ máu do đái tháo đường. Có tới 70% người bệnh đái tháo đường type 2 bị rối loạn mỡ máu. Điều đó có nghĩa là mức đường huyết cao là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác, bao gồm cả cholesterol cao. Không chỉ vậy, ngay cả những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có lượng đường trong máu được kiểm soát tốt cũng có khả năng bị mỡ máu cao.

1. Vì sao người bệnh đái tháo đường có cholesterol cao?

BSCKII. Nguyễn Thị Thanh Hải (Khoa Nội tiết - Bệnh viện 198) cho biết, cơ thể sản xuất một loại hormone gọi là insulin. Insulin được sản sinh bên trong tuyến tụy, sau đó phân phối qua máu để làm giảm lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc tế bào giảm nhạy cảm với insulin hay còn gọi là tình trạng đề kháng insulin ngoại vi, dẫn tới tăng lượng đường trong máu.

Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 2.

Cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2.

Trong khi đó, cholesterol là một loại chất béo, do gan sản xuất, không tan được trong nước nên muốn di chuyển trong máu, nó phải được gắn với các phân tử lipoprotein. Cholesterol không phải hoàn toàn là một chất xấu. Nó là một trong những thành phần của màng tế bào trong cơ thể, nguyên liệu giúp tổng hợp acid mật và một số loại nội tiết tố. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol trong máu có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe.

Người bị bệnh đái tháo đường có nhiều insulin trong máu, khiến mức cholesterol xấu tăng cao. Ngoài ra, ở những bệnh nhân này, các hạt cholesterol xấu nhỏ hơn và dày đặc hơn so với những người không mắc bệnh. Điều này tạo cơ hội cho hạt cholesterol xấu xâm nhập vào thành mạch máu và tạo ra mảng bám trong động mạch, làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám trên thành động mạch. Bệnh đái tháo đường cũng là tác nhân làm tăng mức triglyceride trong máu.

Ngược lại, cholesterol cao là một yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường type 2. Các nghiên cứu đã chỉ ra những người có mức cholesterol tốt thấp hoặc triglyceride cao có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 cao hơn so với người có chỉ số cholesterol ổn định.

2. Máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường có nguy hiểm?

Nếu không kiểm soát tốt đường huyết, người bệnh đái tháo đường có thể gặp phải hội chứng nhiễm trùng máu, do các hạt lipid tích tụ trong máu không được đào thải ra ngoài. Hội chứng này có thể gây tổn thương thần kinh như mất cảm giác ở chân, mất trí nhớ.

Rối loạn mỡ máu có thể phát triển chứng xơ vữa động mạch, ảnh hưởng đến các hoạt động cung cấp máu cho tim (gây bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh động mạch ngoại vi). Mức cholesterol cao cũng làm tăng nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ.

Chính vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần xét nghiệm máu định kỳ để phát hiện sớm tình trạng máu nhiễm mỡ. Từ đó để có được sự tư vấn và điều trị thích hợp, phòng ngừa rối loạn mỡ máu, giảm thiểu tối đa các nguy cơ biến chứng đái tháo đường.

3. Điều trị máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường

Mục đích chính của việc điều trị rối loạn mỡ máu ở người bệnh đái tháo đường là giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Trong đó, thay đổi lối sống là phương pháp tối ưu nhất trong việc kiểm soát đái tháo đường và rối loạn mỡ máu.

3.1 Ăn nhiều chất xơ hơn

Chất xơ dù rất no, nhưng nó sẽ không thêm calo vì cơ thể không thể hấp thụ, điều này rất có lợi cho việc giảm cân. Hơn nữa, chất xơ hòa tan, được tìm thấy trong các loại thực phẩm như đậu, táo và bột yến mạch, giúp giảm cholesterol xấu và giữ mức đường huyết ổn định.

Một nguyên tắc nhỏ để có được lượng chất xơ dồi dào trong mỗi bữa ăn là ăn nhiều các loại rau không chứa tinh bột. Chúng rất giàu chất xơ (cũng như các chất dinh dưỡng thực vật có thể giúp bảo vệ sức khỏe tổng thể hơn nữa). Cố gắng tăng dần lượng chất xơ ăn hàng ngày, lên ít nhất 25g mỗi ngày nếu bạn là phụ nữ và 38g mỗi ngày nếu bạn là nam giới.

Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 4.

Tăng cường bổ sung chất xơ giúp giảm cholestero xấu và giữ mức đường huyết ổn định

3.2 Chọn chất béo tốt hơn chất béo xấu

Chất béo là một chất dinh dưỡng quan trọng, cần thiết cho quá trình sản xuất năng lượng và hormone, hấp thụ vitamin, duy trì tính toàn vẹn của màng tế bào trong cơ thể cũng như tăng trưởng và phát triển. Trong đó, chất béo bão hòa góp phần làm tăng mức cholesterol xấu, cũng như chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chiên và bánh nướng.

Chất béo không bão hòa đơn, được tìm thấy trong ôliu, dầu ôliu và một số loại hạt và quả hạch, thực sự giúp giảm mức cholesterol trong máu.

Một loại chất béo tốt khác, chất béo không bão hòa đa có trong cá béo như cá hồi và cá tuyết, cũng như hạt lanh và quả óc chó, rất giàu axit béo omega-3 có vai trò đáng kể trong việc giảm mức cholesterol và chất béo trung tính tổng thể trong máu.

3.3 Giảm cân

Theo BS. Thanh Hải, béo phì làm tăng kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường, giảm cholesterol HDL và tăng cholesterol LDL xấu. Giảm cân có thể cải thiện tình trạng máu nhiễm mỡ, được khuyến khích ở những bệnh nhân thừa cân bị đái tháo đường. Để đạt được hiệu quả giảm cân bền vững, việc hạn chế thực phẩm nhiều calo là chìa khóa quan trọng giải quyết vấn đề này.

Một trong những cách tốt nhất để bắt đầu kế hoạch giảm cân an toàn và hiệu quả phù hợp là ghi lại loại thực phẩm, số lượng và khoảng thời gian ăn trong ba ngày (hai ngày trong tuần và một ngày cuối tuần). Từ đó sẽ có thể biết mình nên ăn bao nhiêu calo để giảm cân với tốc độ chậm và ổn định; những loại thực phẩm nên cắt giảm hoặc tránh xa để ăn ít đường và chất béo bão hòa hơn.

Kiểm soát tình trạng máu nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường - Ảnh 5.

Bệnh nhân bị đái tháo đường nếu thừa cân nên giảm cân.

3.4 Chế độ ăn hợp lý

Một chế độ ăn thân thiện với người bệnh máu nhiễm mỡ bao gồm các thực phẩm giàu chất xơ, chẳng hạn như trái cây, rau củ, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt. Bên cạnh đó, những bệnh nhân đái tháo đường nên tránh các loại thực phẩm nhiều muối hoặc đường, hạn chế thức ăn nhiều cholesterol xấu và chất béo bão hòa, như thực phẩm chế biến sẵn đóng hộp, thức ăn nhanh, thực phẩm chiên rán.

3.5 Tập thể dục vừa sức ngăn ngừa máu nhiễm mỡ

Hoạt động thể chất được khuyến khích ở tất cả người bệnh đái tháo đường, trong đó nên tập ít nhất 3 ngày/tuần. Có lựa chọn đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe, học khiêu vũ… tùy theo sức khỏe và điều kiện của mình.

Phương pháp thay đổi lối sống trong điều trị đái tháo đường và lipid máu chỉ có tác dụng hỗ trợ, không có tác dụng chữa khỏi. Phương pháp này không có tác dụng thì người bệnh thường phải điều trị bằng thuốc.

3.6 Dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ

Nếu việc điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện không làm giảm lượng cholesterol trong máu, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh sử dụng một số loại thuốc nếu cần thiết. Và người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Nguy cơ tiền sản giật khi thai phụ bị máu nhiễm mỡ, làm gì để ngăn ngừa?Nguy cơ tiền sản giật khi thai phụ bị máu nhiễm mỡ, làm gì để ngăn ngừa?

SKĐS - Máu nhiễm mỡ là căn bệnh phổ biến thường gặp hiện nay. Bệnh không chỉ gặp ở độ tuổi trung niên mà ngày càng có nguy cơ trẻ hóa, thậm chí phụ nữ mang thai cũng là đối tượng có nguy cơ cao mắc căn bệnh này.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?


Vân Khanh
Ý kiến của bạn