Nguyên nhân nào dẫn đến thừa cân, béo phì?
Tại Việt Nam thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm là vấ́n đề sức khỏe đáng quan tâm và đang có xu hướng tăng.
Các chuyên gia y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới cho rằng thừa cân béo phì đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết. Nhưng nguyên nhân chủ yếu của thừa cân béo phì là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.
Tại hội thảo "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và Khuyến nghị" diễn ra cách đây không lâu, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, số liệu điều tra gần đây cho thấy tỷ lệ trẻ (5-19 tuổi) bị thừa cân, béo phì tại nước ta đã tăng hơn gấp đôi sau 10 năm. Tuy nhiên, so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn may mắn khi tỷ lệ vẫn ở mức thấp.
Dẫn báo cáo An ninh Lương thực và Dinh Dưỡng ASEAN năm 2021, PGS Lâm đưa ra các con số, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.
Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11g/100 ml; trong khi đó lượng đường trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/ 100g, trong đó một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g.
Có quá nhiều các loại thực phẩm có chứa đường trên thị trường và mức tiêu thụ của các loại thực phẩm này còn nhiều hơn nhiều so với nước ngọt. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết mức tiêu thụ thường xuyên bánh, kẹo ở học sinh là 51,1% ở thành thị và 56,4% ở nông thôn, trong khi nước ngọt chỉ là 16,1% ở thành thị và 21,6% ở nông thôn.
Áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng tỉ lệ thừa cân béo phì vẫn gia tăng?
Để phòng chống bệnh không lây nhiễm nói chung, trong đó có thừa cân béo phì, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho rằng đẩy mạnh giáo dục và truyền thông về dinh dưỡng hợp lý, cùng đó cần khuyến khích các hoạt động và phong trào luyện tập thể dục, thể thao cho cộng đồng, nhất là đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên để duy trì lối sống lành mạnh...
Đồng thời chuyên gia cũng khuyến nghị các cơ quan quản lý thị trường và an toàn thực phẩm cần giám sát và quản lý việc thực hiện dán nhãn dinh dưỡng một cách chặt chẽ. Các loại thực phẩm đều phải có nhãn dinh dưỡng với các nội dung theo qui định mới được lưu hành trên thị trường. Cùng đó cần có cơ chế quản lý chặt chẽ và giới hạn các loại thực phẩm, đồ uống đường phố hiện đang không đảm bảo về dinh dưỡng và vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng tỷ lệ tỷ lệ thừa cân béo phì vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm như Chile, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan...
Chile đã áp thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước giải khát có đường từ năm 2014, nhưng tỷ lệ thừa cân và béo phì tại quốc gia này vẫn tiếp tục tăng. Từ năm 2016 đến 2017, tỷ lệ thừa cân béo phì ở nam giới tăng từ 19,2% lên 30,3% và ở nữ giới từ 30,7% lên 38,4%.
Tại Mỹ, thành phố Berkeley, bang California, việc đánh thuế lên đồ uống có đường không những không giảm lượng calo tiêu thụ mà còn khiến người dân nạp thêm calo từ các sản phẩm không bị đánh thuế. Cụ thể, lượng calo nạp vào từ các mặt hàng nước giải khát bị đánh thuế giảm nhẹ trung bình 6 calo mỗi ngày, từ 45 kcal/ngày xuống 39 kcal/ngày. Trái lại, lượng calo nạp vào từ các sản phẩm đồ uống không bị đánh thuế lại tăng trung bình 32 calo mỗi ngày, từ 116 kcal/ngày lên đến 145 kcal/ngày.
Một số quốc gia đã từng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt lên đồ uống có đường nhưng sau đó đã bãi bỏ chính sách này vì không mang lại hiệu quả như mong đợi như tại Đan Mạch hay Na Uy...
Dinh dưỡng lành mạnh, tăng cường vận động.... để phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó có thừa cân, béo phì
Tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng
Thay vì sử dụng công cụ thuế, một số quốc gia đã chọn cách nâng cao kiến thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh. Nhật Bản là một ví dụ điển hình với đạo luật chống béo phì ra đời năm 2008.
Đạo luật này không nhằm phạt các cá nhân mà yêu cầu những người thừa cân và eo lớn hơn so với quy định phải áp dụng chế độ dinh dưỡng do nhà chức trách đưa ra. Chỉ số tiêu chuẩn cho vòng eo phụ nữ là 90, và đàn ông là 85 (áp dụng với những người từ 40-70 tuổi) nhằm đẩy lùi những căn bệnh nguy hiểm và các bệnh liên quan đến cân nặng. Sau 6 tháng, nếu không giảm cân, họ sẽ tiếp tục được đào tạo lại cho đến khi đạt chuẩn.
Kết quả là Nhật Bản có tỷ lệ béo phì trong dân số chỉ 3,5%, thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Đức, Pháp, Italia, Anh và Mỹ.
Đây là minh chứng cho thấy, việc nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về dinh dưỡng và lối sống lành mạnh là biện pháp hiệu quả hơn so với việc áp thuế lên đồ uống có đường.
Chính phủ Singapore tập trung vào các chính sách tăng cường hoạt động thể chất và dinh dưỡng như Chương trình Bữa ăn lành mạnh tại trường học và Thử thách Bước chân Quốc gia.
Đức đang áp dụng các chính sách hướng dẫn về chế độ ăn uống và hoạt động thể chất, áp đặt các hạn chế trong quảng cáo và nhãn dinh dưỡng; trong đó các biện pháp về truyền thông và khuyến khích cải cách được ước tính là giúp phòng chống 218 nghìn bệnh không lây nhiễm đến năm 2050.
TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam nhấn mạnh giáo dục sức khỏe là một cách tiếp cận phổ biến và hiệu quả về mặt chi phí để nâng cao nhận thức cộng đồng.
Quá trình này cần sự phối hợp có hệ thống bao gồm các giải pháp truyền thông và vận động xã hội; các chính sách pháp luật từ nhà nước; tăng cường hệ thống dịch vụ và chuyên môn kỹ thuật y tế; giải pháp nghiên cứu, theo dõi và giám sát và tăng cường hợp tác quốc tế.