Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 các Bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện như thế nào?

02-11-2023 06:08 | COVID-19

SKĐS - Mục tiêu chung của kế hoạch kiểm soát quản lý bền vững dịch Covid -19 là bảo vệ tối đa sức khoẻ của người dân góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Trong đó, mục tiêu cụ thể là giảm số mắc COVID-19, nhất là ở nhóm nguy cơ cao và dễ bị tổn thương; giảm ca nặng và tử vong do COVID-19; đảm bảo việc quản lý bệnh COVID-19 bền vững cùng với các bệnh truyền nhiễm khác.

Để thực hiện được mục tiêu đó, ngoài 9 nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp được đề ra thì sự phối hợp thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương là yếu tố cần thiết và quan trọng trong công cuộc kiểm soát bền vững dịch bệnh.

Theo đó, tại Quyết định 3984/QĐ-BYT của Bộ Y tế kèm theo Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch Covid -19 do Bộ Y tế ban hành , Bộ Y tế đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phối hợp để triển khai công tác phòng chống dịch, cụ thể:

- Rà soát, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch cho người dân phù hợp theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

- Truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 bằng các hình thức phù hợp.

Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 các Bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện như thế nào?- Ảnh 1.

Truyền thông phòng chống dịch Covid -19 bằng các hình thức phù hợp.

- Rà soát, đề xuất việc tiếp tục áp dụng hoặc không tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.

- Xây dựng các chính sách đầu tư, đãi ngộ cho y tế dự phòng và y tế cơ sở theo Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ.

- Tăng cường đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ trong việc sản xuất vắc xin, sinh phẩm, thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị y tế và các biện pháp can thiệp phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Cùng với đó, Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan

1. Xây dựng Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023-2025 của địa phương.

2. Rà soát tình hình dịch bệnh và thực hiện việc công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương; thực hiện việc giám sát và phòng, chống COVID-19; chẩn đoán và điều trị COVID-19; phòng và kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

3. Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các cấp tại địa phương để phù hợp với việc đáp ứng tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

4. Rà soát các văn bản, hướng dẫn về phòng, chống dịch COVID-19 của địa phương để bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền.

5. Đảm bảo năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp dịch có diễn biến phức tạp.

Kiểm soát, quản lý bền vững dịch COVID-19 các Bộ ngành, địa phương phối hợp thực hiện như thế nào?- Ảnh 2.

Các địa phương đảm bảo năng lực điều trị, cấp cứu, hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp có diễn biến phức tạp.

6. Triển khai tiêm vắc xin COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

7. Thực hiện công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

8. Đảm bảo nguồn lực (nhân lực, kinh phí, thuốc, vật tư, thiết bị) phục vụ công tác phòng chống dịch phù hợp với tình hình dịch.

9. Củng cố hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.

Kế hoạch Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh COVID-19 giai đoạn 2023­2025 sẽ được cập nhật và điều chỉnh theo diễn biến dịch bệnh.

Đại dịch COVID-19 ghi nhận các ca bệnh đầu tiên cuối tháng 12/2019 tại Vũ Hán, Trung Quốc; sau đó dịch bệnh nhanh chóng lây lan và bùng phát tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Ngày 30/1/2020, Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC) và đánh giá là đại dịch toàn thế giới ngày 11/3/2020.

Ngày 05/5/2023, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế. WHO đã ban hành Chiến lược Chuẩn bị và ứng phó với COVID-19 giai đoạn 2023-2025

Ngày 19/10/2023, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày điều chỉnh phân loại COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.

Cùng ngày 19/10/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2023/QĐ-TTg quyết định sửa đổi Phụ lục quy định thời gian ủ bệnh trung bình và thời gian không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm làm căn cứ để công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm ban hành kèm theo Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg ngày 28/01/2016 quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm; có hiệu lực thi hành từ 20/10/2023.


Thiên Đức
Ý kiến của bạn