Hà Nội

Kiểm soát ô nhiễm nguồn nước: Dễ hay khó?

30-12-2016 10:52 | Thời sự
google news

SKĐS - Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống con người. Chúng ta cần nước sạch cho sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh.

Nước là nguồn tài nguyên thiết yếu cho cuộc sống con người. Chúng ta cần nước sạch cho sinh hoạt, bảo vệ sức khỏe và vệ sinh. Nước cần cho sản xuất nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp và các ngành kinh tế khác. Không có nước - không có sự sống. Việt Nam là một trong những nước có nguồn tài nguyên nước phong phú, dồi dào nhưng hiện nay, tài nguyên nước ở nước ta đang trong tình trạng suy thoái cả về số lượng và chất lượng.

Ô nhiễm đi đôi với bệnh tật

Nước là tài nguyên quý giá, có hạn và dễ bị ô nhiễm. Các sự cố ô nhiễm nước biển miền Trung và các sông hồ… những tháng đầu năm 2016 đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy sản, du lịch, tàn phá hệ sinh thái, làm tê liệt sinh kế của hàng triệu người dân... Trong một thời gian dài, việc nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa và tầm quan trọng của nước đối với đời sống, sức khỏe và sự phát triển bền vững của đất nước, chưa chú trọng quản lý và bảo vệ tài nguyên nước dẫn đến tài nguyên nước ở nước ta đã có những biểu hiện suy thoái cả về số lượng lẫn chất lượng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước, khan hiếm nước đã xuất hiện ở nhiều nơi và đang có xu hướng gia tăng… Đây là hồi chuông cảnh báo về sự cần thiết, cấp bách kiểm soát các nguồn ô nhiễm thải vào các vùng nước mặt.

Theo một nghiên cứu của các chuyên gia về môi trường đã phân tích, trong khu vực nội thành của các thành phố lớn, hệ thống các hồ, ao, kênh, rạch và các sông nhỏ chính là nơi tiếp nhận và vận chuyển nước thải của các khu công nghiệp, dân cư. Hệ thống này hiện nay đang ô nhiễm nghiêm trọng, vượt quá mức tiêu chuẩn 5-10 lần, các hồ trong nội thành phần lớn ở trạng thái phú dưỡng, nhiều hồ bị phú dưỡng hóa đột biến và tái nhiễm bẩn hữu cơ. Trong đó có nguyên nhân do không kiểm soát được các nguồn thải và chưa quan tâm đầu tư thỏa đáng cho các hệ thống thu gom, xử lý các chất thải lỏng, thải rắn. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu có tác động nhiều đến tài nguyên nước…

Kiểm soát ô nhiễm nguồn nướcCần tuyên truyền nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Hậu quả chung của tình trạng ô nhiễm nước là tỉ lệ người mắc các bệnh cấp và mạn tính liên quan đến ô nhiễm nước như viêm kết mạc, tiêu chảy, ung thư... ngày càng tăng. Người dân sinh sống quanh khu vực ô nhiễm ngày càng mắc nhiều loại bệnh tình nghi là do dùng nước bẩn trong mọi sinh hoạt.

Cần sớm xây dựng và ban hành Luật Kiểm soát ô nhiễm nước

Bà Nguyễn Ngọc Lý - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) - Tổ chức điều phối Liên minh nước sạch tại sự kiện 3 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của Liên minh Nước sạch được tổ chức tại Hà Nội mới đây cho biết: Bảo vệ chất lượng nước các vùng nước mặt cũng chính là bảo vệ sự sống còn của nền kinh tế, bảo vệ sinh kế của hàng triệu người dân gắn liền với nguồn lợi thủy sản, dịch vụ du lịch và các dịch vụ khác liên quan đến nước. Việc kiểm soát ô nhiễm nước phải trở thành ưu tiên hàng đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Do vậy, việc xây dựng một khung pháp lý, chính sách riêng biệt, đủ mạnh và hiệu quả để có thể góp phần kiểm soát tình trạng ô nhiễm nước trầm trọng là vô cùng cần thiết. Liên minh Nước sạch kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu để đưa Luật Kiểm soát ô nhiễm nước vào danh sách các luật mới sẽ được xây dựng trong thời gian tới.

Cũng theo bà Lý, nếu tình trạng thu phí nước thải thấp như thế này thì không thể tạo ra nguồn tài chính để xử lý nước thải sinh hoạt trong khi ngân sách nhà nước của ta lại không thể có đủ để đầu tư cho xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải. Điều này sẽ khiến nguồn nước ngày càng trở nên suy thoái. Mặc dù các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng tình trạng ô nhiễm nước là vấn đề rất đáng lo ngại. Tốc độ công nghiệp hoá và đô thị hoá khá nhanh cùng sự gia tăng dân số gây áp lực ngày càng nặng nề đối với tài nguyên nước.

Về vấn đề này, TS. Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chia sẻ: Chính sách về tài nguyên nước chưa đầy đủ trong khi quản lý tài nguyên nước là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi cần có sự phối kết hợp thực hiện hiệu quả giữa các ngành, các cấp và toàn thể xã hội. Việc thực hiện bảo vệ tài nguyên nước ở nước ta còn nhiều khó khăn cần khắc phục, vì vậy nên Đảng và Nhà nước cần có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao hơn nữa vấn đề này. Hơn hết, mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức của mình về bảo vệ nguồn tài nguyên quý hiếm này. Với bối cảnh hiện nay, việc kiểm soát ô nhiễm phải quyết liệt, sẵn sàng, chủ động ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra trong năm 2017 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua năm 2012, đến nay, một số quy định của nó không còn phù hợp với điều kiện hiện nay. Vì vậy, cần sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Tài nguyên nước cho phù hợp với yêu cầu thực tế và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý về môi trường nước thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.


Thanh Phong
Ý kiến của bạn