Kiểm soát cơn thèm ăn bằng cách nào?

SKĐS - Cơn thèm ăn khiến bạn không thể kìm hãm với đồ ăn, là một trong những nguyên nhân gây tăng cân. Vậy cần làm gì để giảm cảm giác thèm ăn này?

1. Thế nào là cơn thèm ăn?

Cơn thèm ăn là sự ham muốn mạnh mẽ đối với đồ ăn. Sự ham muốn này đôi khi không thể cưỡng lại, không thể kiểm soát được.

Người xuất hiện cơn thèm ăn có thể không được thỏa mãn cho đến khi ăn được đúng loại đồ ăn mình đang thèm.

Nhiều chuyên gia tin rằng cơn thèm ăn thường chỉ kéo dài trong khoảng từ 3-5 phút và mang tính cá nhân, khác nhau ở mỗi người nên việc kiểm soát cũng rất khác nhau. Trên thực tế có hơn 50% người thường xuyên có cảm giác này.

Điều này khiến cho nguy cơ tăng cân mất kiểm soát tăng cao. Tuy nhiên, khi cơn thèm ăn xuất hiện, bạn có thể kiểm soát bằng một số biện pháp khác nhau.

Kiểm soát cơn thèm ăn bằng cách nào? - Ảnh 2.

Cơn thèm ăn là một trong những nguyên nhân gây tăng cân

2. Biện pháp giảm cơn thèm ăn

Uống nước: Khát nước thường bị nhầm lẫn với cảm giác đói hay cảm giác thèm ăn. Do đó, nếu bạn cảm thấy đột ngột muốn ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy thử uống một ly nước và chờ vài phút. Khi đó, bạn có thể thấy thèm ăn mất dần đi, bởi vì lúc này cơ thể bạn thực sự chỉ khát chứ không phải thiếu năng lượng gây ra cảm giác đói.

Lên kế hoạch cho bữa ăn: Khi có cảm thấy thèm ăn, bạn nên cố gắng tránh xa các loại thực phẩm mà thay vào đó là thực hiện một số hoạt động về thể chất như đi bộ nhanh, tắm nước nóng… để chuyển trạng thái tâm lý sang một lĩnh vực khác, xua tan cơn thèm.

Bên cạnh đó, bạn có thể lên kế hoạch cho bữa ăn hàng ngày hay cả tuần nhằm thiết lập những loại thực phẩm cần thiết, đồng thời có thể loại bỏ những loại thực phẩm tự phát, ảnh hưởng đến sự thèm ăn cũng như cân nặng của bạn.

Hạn chế căng thẳng: Căng thẳng có thể gây ra cảm giác thèm ăn và ảnh hưởng khá lớn đến hành vi ăn uống, đặc biệt ở phụ nữ. Phụ nữ bị căng thẳng đã được các nghiên cứu chứng minh là sẽ ăn nhiều calo hơn so với phụ nữ không bị căng thẳng.

Hơn nữa, căng thẳng còn làm tăng nồng độ cortisol trong máu, đây là một loại hormone có thể khiến cơ thể bị tăng cân, đặc biệt là ở vùng bụng. Vì vậy, cố gắng giảm thiểu căng thẳng trong cuộc sống cũng như công việc sẽ giúp cân bằng lại các hoạt động trong cơ thể, giảm cảm giác hay cơn thèm ăn.

Ngoài ra, để giảm cơn thèm ăn, bạn không nên để cơ thể bị đói quá mức, cần ngủ đủ giấc, ăn uống đúng bữa… Khi cơn thèm ăn xuất hiện, bạn nên lựa chọn thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, đặc biệt không dự trữ thực phẩm không lành mạnh như đồ chiên rán, thực phẩm chứa nhiều đường… trong nhà để tránh ăn nhiều gây tăng cân.

Mời bạn xem tiếp video:

Thực phẩm tốt cho tiêu hóa và giấc ngủ vào buổi tối | SKĐS


ThS.BS. Trần Thị Minh Nguyệt
Viện Dinh dưỡng Quốc gia
Ý kiến của bạn