Kiểm soát cơn hen suyễn trong mùa mưa

21-09-2024 08:54 | Phòng mạch online

SKĐS - Khi thời tiết thay đổi, các tác nhân dị ứng có thể kích thích khiến người bệnh khởi phát cơn hen. Vậy làm thế nào để người bệnh kiểm soát được cơn hen suyễn trong mùa mưa?

Thời tiết thay đổi thất thường dẫn đến sự thay đổi về độ ẩm, áp suất không khí và nhiệt độ có thể làm nặng hơn các triệu chứng của bệnh đường hô hấp, trong đó có bệnh hen.

Mẹo kiểm soát cơn hen suyễn trong mùa mưa

Hen là bệnh lý mạn tính ở đường hô hấp. Cơ chế gây ra bệnh hen là khi cơ thể tiếp xúc với các dị nguyên hoặc yếu tố kích thích sẽ khiến lớp niêm mạc ở ống phế quản phù nề, tăng tiết dịch nhầy và dễ kích ứng hơn. Khi đường dẫn khí bị co thắt, thu hẹp lại sẽ khiến lượng khí ra vào phổi giảm và người bệnh có biểu hiện thở khò khè, khó thở. 

Dấu hiệu nhận biết bệnh hen bao gồm:

- Tức ngực

- Khó thở nhất là về đêm, gần sáng

- Ho

- Phù nề phế quản

- Tăng tiết dịch ở phế quản

Kiểm soát cơn hen suyễn trong mùa mưa- Ảnh 1.

Thời tiết thay đổi có thể làm tăng nguy cơ tái phát cơn hen.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơn hen khởi phát như:

- Dị nguyên: Đây là lý do thường gặp nhất gây khởi phát cơn hen. Các dị nguyên thường gặp là bụi, bọ nhà, phấn hoa, bụi lông, lông vật nuôi, thời tiết thay đổi… Ngoài ra cũng có thể do thức ăn như tôm, cua, hải sản…

- Các yếu tố không dị ứng: stress, gắng sức, nhiễm khuẩn.

Vì với người bệnh hen, khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích đều làm tăng nguy cơ khởi phát cơn hen. Do vậy khi thời tiết thay đổi, người bệnh cần thực hiện một số phương pháp sau để giúp kiểm soát cơn hen khi thay đổi thời tiết:

- Vỗ rung hàng ngày: Nếu thời tiết thay đổi có thể khiến người bệnh bị co thắt ở phế quản làm ứ đọng dịch tiết đường hô hấp thì cần vỗ rung lồng ngực hàng ngày. Đây là cách giúp kích thích đường hô hấp để đẩy phần dãi, đờm bên trong ra ngoài.

- Nâng cao thể trạng bằng việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng: Thực đơn hàng ngày của người bệnh cần có đầy đủ các chất dinh dưỡng, có thể lựa chọn cách chế biến dưới dạng mềm để dễ sử dụng. 

Ngoài ra cần lưu ý bổ sung thêm nhiều rau củ quả tươi để cung cấp vitamin cho cơ thể. Bên cạnh đó cần hạn chế những thực phẩm dễ gây kích ứng cho người bệnh, đồ ăn nhiều muối, đồ ăn có sulfites…

- Duy trì tập luyện nâng cao sức đề kháng cho cơ thể: Người bệnh nên duy trì tập luyện hàng ngày nhưng lưu ý lựa chọn các môn thể thao phù hợp với bản thân kết hợp thêm những bài tập tốt cho tình trạng bệnh như: bài tập thở cơ hoành, bài tập thở chúm môi… Người bệnh không được tập quá gắng sức vì có thể gây khởi phát cơn hen cấp tính.

- Người bệnh cần sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, có tinh thần thoải mái tránh áp lực, căng thẳng trong cuộc sống.

Kiểm soát cơn hen suyễn trong mùa mưa- Ảnh 2.

Người bị hen suyễn cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, không được tự ý bỏ thuốc hay sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc để chữa bệnh.

Chữa hen bằng cách nào?

Để điều trị hen, các bác sĩ phải dựa vào thang đo để đánh giá chức năng hô hấp từ đó đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp. Việc nâng bậc hay hạ bậc tình trạng hen phải sau 1-3 tháng điều trị mới có thể quyết định. 

Do vậy người bệnh không được tự ý dừng thuốc khi thấy có dấu hiệu bệnh thuyên giảm hoặc sử dụng các loại thuốc nam, thuốc không rõ nguồn gốc để điều trị bệnh.

Bệnh hen nếu không được điều trị đúng cách có thể khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị ảnh hưởng. Trong trường hợp xuất hiện cơn khó thở cấp tính nếu không xử lý kịp thời có thể gây suy hô hấp, hôn mê thậm chí là tử vong.

Xem thêm video được quan tâm:

Người bệnh hen có phải kiêng đồ ăn tanh? | SKĐS


ThS.BS Võ Thị Kim Tương
Phòng Bảo vệ sức khỏe Trung ương 2 - Bệnh viện Hữu nghị
Ý kiến của bạn