Tổng cục Thống kê vừa công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2015 của cả nước tăng 0,15% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên chỉ số giá tiêu dùng tăng trở lại sau 4 tháng giảm liên tiếp trước đó. Điều đáng nói là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 tăng 0,15% là một xu hướng khá bất ngờ vì thông thường, tháng 3 hàng năm, chỉ số giá tiêu dùng thường giảm so với tháng 2 do nhu cầu mua sắm của người dân sau dịp Tết Nguyên đán đã kết thúc.
Với diễn biến giá cả tháng 3 như vậy, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý I năm 2015 so cùng kỳ năm trước tăng 0,74%, mặc dù đây là tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây nhưng các chuyên gia khuyến cáo cũng cần phải có sự kiểm soát chặt về giá đối với các mặt hàng thiết yếu tránh để việc tăng giá sẽ là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát..
Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng thấp so với quý 1 hàng năm của những năm gần đây, là cơ sở để Chính phủ điều chỉnh một số mặt hàng dịch vụ chiến lược của đất nước đảm bảo theo hướng của thị trường. Đáng chú ý, mặc dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh tăng khá mạnh từ 11/3 (xăng tới hơn 1.600 đồng/lít), song nhóm giao thông vẫn giảm 0,31%. Lý giải điều này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do thời điểm tăng giá xăng khá sát với thời điểm chốt số liệu tính chỉ số giá tiêu dùng (ngày 15 hàng tháng) nên tác động của việc điều chỉnh này chưa phản ánh hết vào diễn biến giá cả của kỳ này và sẽ được tiếp tục phản ánh vào các kỳ tới. Cũng theo các chuyên gia kinh tế, theo cách tính chỉ số giá tiêu dùng hiện nay nên chỉ có giá xăng là có thể tác động đến chỉ số giá tiêu dùng.
Trước đó, Cục thống kê TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều công bố chỉ số giá tiêu dùng tăng so với tháng trước. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tại Hà Nội tăng 0,38% so với tháng trước và chỉ số giá tiêu dùng TP. Hồ Chí Minh tăng 0,16% so với tháng trước. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng quý I đang ở mức thấp góp phần đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Chính phủ đặt ra, yếu tố chi phí tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp. Cũng theo nhận định của chuyên gia kinh tế, với sự điều hành của Chính phủ và phối hợp giữa các bộ, ngành thì việc kiểm soát lạm phát là hoàn toàn có thể đạt được và hoàn toàn có thể kiểm soát được giá cả các mặt hàng thiết yếu.
Với mức tăng hiện nay của giá xăng dầu và giá điện thì phần lớn dự báo lạm phát sẽ ở mức trên dưới 3% hay nói cách khác là mục tiêu dưới 5% chúng ta vẫn thực hiện được. Tuy nhiên, những rủi ro tiềm ẩn về giá điện, giá xăng dầu tăng lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, việc theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên chỉ số giá tiêu dùng là những việc cần làm của các cơ quan chức năng trong thời gian tới.
Mạnh Kha