Kiểm soát chặt bệnh viêm đường hô hấp cấp tính vùng Trung Ðông

27-06-2014 07:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Trước tình hình số mắc, tử vong do viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS- CoV) gia tăng nhanh trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu áp dụng tờ khai y tế

Trước tình hình số mắc, tử vong do viêm đường hô hấp cấp tính tại vùng Trung Đông (MERS- CoV) gia tăng nhanh trên thế giới, Bộ Y tế yêu cầu áp dụng tờ khai y tế với người nhập cảnh từ các nước vùng Trung Đông, thực hiện từ 1/7. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội về công tác giám sát hành khách nhập cảnh cũng như công tác chuẩn bị thực hiện tờ khai y tế lần này.

Ông Nguyễn Tiến Hòa.

PV: Hiện nay số ca tử vong do MERS-CoV trên thế giới rất cao, bệnh có nguy cơ xâm nhập Việt Nam qua khách du lịch và khách nhập cảnh tại khu vực Trung Đông qua đường hàng không là rất lớn. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đã chuẩn bị như thế nào để làm tốt công tác kiểm soát ngăn ngừa dịch bệnh, thưa ông?

Ông Nguyễn Tiến Hòa: Công việc giám sát hành khách nhập cảnh qua đường hàng không đã được Bộ Y tế chỉ đạo triển khai từ khi MERS-CoV manh nha xuất hiện và gây tử vong tại Trung Đông, từ cuối năm 2012 cho đến cả năm 2013. Từ cuối năm 2013 đến nay, khi MERS-CoV phát triển mạnh với tỷ lệ tử vong cao, lây lan sang các nước khác, công tác kiểm soát lại càng phải chú trọng hơn. Hiện tại, chúng tôi đã triển khai chặt chẽ, giám sát thường xuyên, đặc biệt là giám sát chuyến bay từ Trung Đông. Ở Cảng hàng không quốc tế Nội Bài hiện nay chỉ có một chuyến bay từ Trung Đông về, đó là từ Qatar. Nhưng trước khi đến Nội Bài, chuyến bay này đi qua Bangkok rồi mới về Hà Nội. Như vậy, số hành khách này không phải hoàn toàn đều từ Trung Đông mà còn cả khách từ Bangkok. Mặc dù vậy, đối với các hành khách quốc tế đến Việt Nam, chúng tôi đều kiểm tra theo đúng quy trình, trong đó trọng tâm là chuyến bay đến từ các nước Trung Đông, sẽ giám sát và kiểm dịch chặt chẽ hơn theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội đang duy trì 2 máy đo thân nhiệt bằng tia hồng ngoại hoạt động rất tốt. Ngoài ra còn 2 máy dự phòng để thay bất cứ lúc nào nếu có trục trặc. Đến cuối năm nay sẽ trang bị thêm 2 máy nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức 2 phòng cách ly ở hai luồng dành cho khách trước khi nhập cảnh đảm bảo khi giám sát trên không, tiếp cận tàu bay, qua máy thân nhiệt nghi ngờ khách sốt, cúm, ho được cách ly tại đây. Đồng thời đã chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc và phương tiện cấp cứu đảm bảo khám phân loại, cách ly người bệnh. Đơn vị cũng bố trí hai xe cứu thương thường trực để vận chuyển người bệnh.

PV: Tờ khai y tế lần này có khác gì so với các tờ khai phòng chống dịch bệnh khác như cúm A/H1N1 năm 2009, dịch SARS năm 2003... và các bước tiến hành thực hiện tờ khai như thế nào để thuận lợi nhất cho hành khách?

Ông Nguyễn Tiến Hòa: Về cơ bản, mẫu tờ khai y tế lần này không khác với các tờ khai trước đó. Cùng với đó, chúng tôi cũng đã xây dựng các tình huống để giám sát chặt chẽ ngay từ trên không đến khi máy bay hạ cánh. Trước khi máy bay hạ cánh, các cơ quan chức năng liên quan sẽ thu thập thông tin về kế hoạch bay quốc tế và trong nước, thời gian, vị trí hạ cánh, thu thập thông tin về hành khách, lượng khách, loại tàu bay, xuất phát từ đâu? Những thông tin đột xuất về tình trạng sức khỏe hành khách, tình hình bệnh khu vực máy bay xuất phát... Nếu nhận được thông tin hành khách nghi ngờ, hoặc có bệnh truyền nhiễm, hoặc có yếu tố nguy hiểm thì được báo cáo xuống mặt đất để triển khai các biện pháp cách ly, phòng chống... Ngoài việc giám sát qua hệ thống không lưu, khi đến sân bay các nhân viên sẽ tiến hành đo thân nhiệt, nếu phát hiện nghi ngờ sẽ đưa hành khách vào phòng cách ly, đồng thời cách ly toàn bộ hành khách đi cùng chuyến bay đó. Trong trường hợp có hành khách nhiễm virut, chúng tôi sẽ thông báo với cộng đồng để y tế cơ sở tiến hành các biện pháp phòng chống, giám sát nơi ở, nơi làm việc của người nghi ngờ mắc. Và sau đó sẽ thông báo rộng rãi đến quần chúng, tránh sự lây lan trên diện rộng. Còn riêng tại sân bay, nếu phát hiện bệnh nhân nghi ngờ, các nhân viên sẽ tiến hành khử khuẩn các phương tiện: máy bay, ống lồng dẫn khách, lối đi... để không có sự lây nhiễm từ các phương tiện ở sân bay.

Sử dụng máy đo thân nhiệt tại cửa khẩu sân bay. Ảnh: Trần Minh

Hiện nay, chúng tôi bố trí 5 kiểm dịch viên thường trực tại bàn kiểm dịch theo dõi sự biến đổi thân nhiệt, kết hợp kiểm tra thủ tục, tờ khai y tế và dấu xác nhận kiểm dịch y tế.

PV: Được biết, hàng ngày tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài có hàng nghìn lượt khách qua lại, có ý kiến lo ngại rằng việc triển khai tờ khai như vậy sẽ phiền đến hành khách cũng như khó kiểm soát hết triệt để các ca bệnh, ý kiến của ông về vấn đề này?

Ông Nguyễn Tiến Hòa: Chúng tôi tuân thủ một nguyên tắc là đảm bảo mọi hành khách trên các chuyến bay nói chung và đặc biệt từ các nước Trung Đông nói riêng đến Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đều được khai báo và kiểm tra y tế, được giám sát chặt chẽ nhưng phải đảm bảo là thuận tiện cho khách nhập cảnh.

Việc khai tờ khai y tế chính là để kịp thời phát hiện các trường hợp có nguy cơ cao, đồng thời nắm rõ địa chỉ của hành khách để tiếp tục theo dõi tại cộng đồng. Đây là quy định nhưng cũng là quyền lợi của hành khách. Do vậy, để hành khách hiểu và hợp tác, tại các chuyến bay, chúng tôi đã cho thông báo, đồng thời tại các cửa ra vào, sảnh chờ, khu vực lấy hành lý đều được treo các poster bằng tiếng Anh và tiếng Việt về biểu hiện, nguy cơ của dịch cúm MERS-CoV để hành khách thấy sự cần thiết cũng như trách nhiệm và quyền lợi trong việc thực hiện tờ khai y tế.

Bên cạnh đó, vì có quy chế phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng nên việc thực hiện khai báo sẽ thuận lợi. Mẫu tờ khai sẽ được cung cấp cho hãng bay và phát cho hành khách kê khai trong lúc làm thủ tục xuất nhập cảnh, sau đó hành khách đi qua máy đo thân nhiệt ở hai luồng cửa ra vào và sẽ để lại tờ khai tại bàn kiểm dịch viên, trong trường hợp khách chưa kịp kê khai sẽ có sẵn tờ khai tại bàn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đặt ra giả thiết có tình huống nếu không may để lọt hành khách chưa khai báo thì sẽ nhờ hỗ trợ từ phía công an cửa khẩu, đặc biệt là những hành khách từ các nước Trung Đông về. Ngoài ra, theo chủ trương của Bộ Y tế, trước mắt chỉ lưu ý chuyến bay từ vùng đang có dịch về, mà tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài chỉ có chuyến bay từ Qatar với khoảng 250 - 300 hành khách nên cũng không quá khó để kiểm soát.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuệ (thực hiện)

Bệnh viêm đường hô hấp cấp tính tại Trung Ðông (MERS-CoV) diễn biến phức tạp, số mắc và tử vong vẫn tăng. Ðến nay, toàn cầu có hơn 700 người nhiễm virut Corona, ít nhất 250 người tử vong tại 22 quốc gia. Phần lớn các ca mắc được ghi nhận tại Saudi Arabia. Trong đó, chủ yếu là cư dân, một số ít là khách du lịch. Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nào nhưng nguy cơ xâm nhập là rất lớn. Sau Philippines, Việt Nam là nước thứ hai ở châu Á yêu cầu khách du lịch khai báo tình hình sức khỏe khi làm thủ tục nhập cảnh.

 


Ý kiến của bạn