Kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc giúp giảm bốc hỏa thời kỳ mãn kinh

22-11-2019 09:00 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học quốc tế, việc giữ cân nặng khỏe mạnh và bỏ hút thuốc trước tuổi 40 có thể làm giảm đáng kể các cơn bốc hỏa và ra mồ hôi ban đêm, đây là những triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh.

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học quốc tế, việc giữ cân nặng khỏe mạnh và bỏ hút thuốc trước tuổi 40 có thể làm giảm đáng kể các cơn bốc hỏa và ra mồ hôi ban đêm, đây là những triệu chứng đặc trưng của thời kỳ mãn kinh.

Mãn kinh là một giai đoạn tất yếu của cuộc sống. Tuy nhiên những thay đổi về sinh lý có thể mang lại những khó chịu trong giai đoạn này.Theo Hiệp hội mãn kinh Bắc Mỹ, bốc hỏa (triệu chứng vận mạch) là sự khó chịu liên quan đến mãn kinh phổ biến nhất. Cơn bốc hỏa khiến họ cảm thấy nóng bức, khó chịu ở vùng ngực, cổ và mặt... và là những rối loạn ảnh hưởng tới cuộc sống của họ nhiều nhất.

Tiến sĩ Hsin-Fang Chung, Đại học Queensland, St. Lucia (Úc) và nhóm nghiên cứu đã kiểm tra dữ liệu từ tám nghiên cứu trên 21.460 phụ nữ 50 tuổi. Những người tham gia đến từ Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu đã xem xét mối liên quan giữa chỉ số khối cơ thể (BMI) và hút thuốc với nguy cơ của các triệu chứng vận mạch.

Khi bắt đầu nghiên cứu, gần 60% phụ nữ có các triệu chứng vận mạch (bốc hỏa hoặc đổ mồ hôi đêm). Một nửa trong số những người tham gia này bị thừa cân ( bao gồm 21% trong số họ bị béo phì) và 17% là người hút thuốc tại thời điểm nghiên cứu.

Phân tích cho thấy chỉ số BMI cao hơn và hút thuốc nhiều hơn trong một khoảng thời gian dài hơn đều có liên quan đến các triệu chứng vận mạch thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn. Những người hút thuốc lá -thụ động hoặc chủ động- có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn so với những người không hút thuốc. Những người thừa cân thường có khoảng thời gian rối loạn vận mạch cao hơn so với những người có tỉ lệ cơ thể phù hợp.

Cụ thể, phụ nữ béo phì có nguy cơ cao hơn gần 60% khi gặp triệu chứng vận mạch thường xuyên hoặc nghiêm trọng, so với phụ nữ có cân nặng bình thường. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ cao hơn 80% khi gặp triệu chứng vận mạch thường xuyên hoặc nghiêm trọng, so với phụ nữ chưa bao giờ hút thuốc.

Theo TS Chung, hút thuốc làm tăng nguy cơ béo phì. Những phụ nữ béo phì hút thuốc tăng gáp 3 lần nguy cơ gặp phải các triệu chứng vận mạch thường xuyên hoặc nghiêm trọng so với phụ nữ có cân nặng bình thường chưa bao giờ hút thuốc. Nguy cơ gặp phải triệu chứng vận mạch thường xuyên hoặc nghiêm trọng là đặc biệt cao đối với những phụ nữ hút hơn 20 điếu thuốc mỗi ngày hoặc hút thuốc trong hơn 30 năm. Tuy nhiên, những phụ nữ bỏ hút thuốc trước tuổi 40 có mức độ rủi ro tương tự với những người chưa bao giờ hút thuốc.

Những phát hiện này khuyến khích phụ nữ giữa cuộc đời tham gia vào các chương trình tăng cường sức khỏe và nhấn mạnh sự cần thiết phải bỏ thuốc lá và áp dụng các chiến lược quản lý cân nặng trước khi mãn kinh.


Bích Ngọc
Ý kiến của bạn