Biến chứng mạn tính do ĐTĐ thường hay gặp, thậm chí các biến chứng này có ngay tại thời điểm bệnh được phát hiện ở người mắc bệnh ĐTĐ týp 2. Đây là nguyên nhân không chỉ làm tăng gánh nặng kinh tế của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng, mà còn là lý do chủ yếu làm giảm chất lượng cuộc sống của người mắc bệnh ĐTĐ. Dưới đây là một số biến chứng thường gặp:
Biến chứng mắt: Có thể xuất hiện ngay từ khi phát hiện bệnh đái tháo đường ở người mắc ĐTĐ týp 2 và thường xảy ra sau 3-5 năm đối với người mắc ĐTĐ týp 1. Khi đường máu của bệnh nhân không được kiểm soát tốt, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc các bệnh về mắt như: Bệnh võng mạc mắt là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở bệnh nhân ĐTĐ. Đa số bệnh nhân có biến chứng này không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi bệnh nặng. Đục thủy tinh thể: nhân mắt trở nên trắng đục, làm giảm thị lực. Glaucoma: mắt đau nhức dữ dội, đỏ mắt, chảy nước mắt.
Vì vậy, bệnh nhân cần đi khám mắt ngay từ khi phát hiện ĐTĐ đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và sau 3-5 năm đối với bệnh nhân ĐTĐ týp 1. Sau đó khám định kỳ 1 năm 1 lần.
Cần kiểm soát tốt đường huyết để phòng ngừa biến chứng.
Biến chứng thần kinh: Rất hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ, biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau như biến chứng thần kinh ngoại vi và biến chứng thần kinh tự động. Các dạng tổn thương khác như liệt dây thần kinh sọ, teo cơ ít gặp hơn. Các biểu hiện thường gặp khi có biến chứng thần kinh là: tê bì, dị cảm, mất cảm giác, kiến bò ở hai chân. Nhịp tim nhanh khi nghỉ, chóng mặt khi thay đổi tư thế. Nuốt nghẹn, đầy bụng, ăn chậm tiêu, nôn, buồn nôn sau khi ăn. Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy kéo dài hoặc táo bón. Đái không hết bãi, đái khó hoặc bí đái. Rối loạn cương dương ở nam giới. Hạ đường huyết không có dấu hiệu cảnh báo.
Biến chứng thận do ĐTĐ: Chiếm gần 50% các trường hợp suy thận giai đoạn cuối, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các bệnh nhân ĐTĐ. Biến chứng thận do ĐTĐ có thể được phát hiện sớm bằng làm xét nghiệm protein vi thể trong nước tiểu. Khi tổn thương thận nặng hơn có thể phát hiện thấy protein đại thể trong nước tiểu. Khi suy thận, phát hiện dễ dàng bằng các xét nghiệm chức năng thận như urê máu, creatinine máu.
Bệnh lý mạch máu lớn: Bao gồm bệnh lý mạch vành, mạch não và bệnh mạch máu ngoại biên: Đối với bệnh nhân ĐTĐ, nguy cơ bệnh lý mạch máu gia tăng cùng với tuổi, thời gian mắc bệnh và sự xuất hiện của biến chứng thần kinh ngoại vi.
Bệnh lý mạch máu lớn biểu hiện như: Bệnh lý mạch vành: cơn đau thắt ngực điển hình hoặc chỉ phát hiện trên điện tâm đồ hay nhồi máu cơ tim. Bệnh lý mạch não: có thể gây các cơn thiếu máu não cục bộ, thoáng qua hay là tai biến mạch máu não thực sự; Bệnh lý động mạch ngoại biên biểu hiện đau cách hồi, đau khi nghỉ, nặng có thể dẫn tới tắc mạch chi gây hoại tử mô, thậm chí phải cắt cụt chi. Một số bệnh nhân có thể không có triệu chứng rõ rệt do có biến chứng thần kinh đi kèm. Mạch ngoại vi yếu thậm chí mất mạch, rụng lông, thiểu dưỡng móng, da khô lạnh.
Bệnh lý bàn chân: Là biến chứng hay gặp và là nguyên nhân dẫn tới cắt cụt, tử vong cao ở người ĐTĐ. Trong bệnh lý bàn chân, vai trò của biến chứng thần kinh ngoại vi, bệnh lý mạch máu ngoại vi và nhiễm trùng luôn gắn bó mật thiết với nhau. Tổn thương bàn chân thường bắt đầu từ những ngón chân vùng bị mất cảm giác, đặc biệt ở những ngón chân đã bị biến dạng và thiếu máu. Đặc biệt khi bị chấn thương, chai chân. Để phòng tránh biến chứng bàn chân ở người ĐTĐ, bệnh nhân có biến chứng thần kinh ngoại vi cần phải cắt móng chân đúng cách tránh làm tổn thương da. Không nên ngâm chân nước nóng, sưởi ấm chân để tránh bỏng chân. Bệnh nhân không nên đi chân đất, đi giày dép quá chặt và kiểm tra bàn chân hàng ngày để phát hiện sớm loét bàn chân, chai chân. Đi khám bác sĩ chuyên khoa nội tiết thường xuyên để được tư vấn cách bảo vệ chân, điều trị sớm các vết loét.
Đái tháo đường là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến, đã và đang gia tăng nhanh chóng ở mọi quốc gia trên thế giới. Nguyên nhân gây ra đái tháo đường rất phức tạp, nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể lực, sử dụng nhiều thức ăn nhanh, trẻ em bị béo phì, nghiện game và tivi... Do vậy, vấn đề mấu chốt để phòng tránh tất cả các biến chứng trên là kiểm soát tốt đường huyết, có lối sống lành mạnh, chế độ ăn hợp lý. Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị đái tháo đường, người bệnh cần hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết (tức là những thực phẩm làm chỉ số tăng đường huyết cao). Chẳng hạn như: hoa quả ngọt (nhãn, vải, mít); nước ngọt có ga và bánh kẹo ngọt làm từ đường kính. Ngoài ra, cần điều chỉnh các rối loạn và bệnh lý đi kèm. Đồng thời đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các biến chứng nếu có.