Kiểm soát bệnh hen ở người cao tuổi

26-10-2010 15:04 | Bệnh người cao tuổi
google news

Bệnh hen là bệnh của đường hô hấp, diễn biến cấp hoặc mạn tính. Mọi người đều có thể mắc bệnh hen, nhưng người già bị bệnh hen thường nặng, điều trị khó khăn. Nếu hen cấp tính mà không cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh hen là bệnh của đường hô hấp, diễn biến cấp hoặc mạn tính. Mọi người đều có thể mắc bệnh hen, nhưng người già bị bệnh hen thường nặng, điều trị khó khăn. Nếu hen cấp tính mà không cấp cứu kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

Người cao tuổi bị hen do đâu?

Có nhiều căn nguyên gây bệnh hen ở người cao tuổi như: lúc nhỏ bị hen, khi lớn hết hen, nay già lại bị hen. Khi cao tuổi hen mới xuất hiện lần đầu do có những yếu tố nguy cơ gây hen đó là: nhiễm khuẩn hô hấp, đặc biệt nhiễm virut đường hô hấp trên, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản, giãn phế quản. Do tiếp xúc với các kháng nguyên lạ như: bụi nhà, bụi lông gia súc gia cầm, bụi xác côn trùng, nấm mốc, phấn hoa, lông thú, chất tiết của động vật nuôi trong nhà: chó, mèo, thỏ; do dị ứng với phân khô, chất thải và xác của ruồi, gián, muỗi, chuột; do nấm mốc. Bụi đường, khói xe, khói do người khác hút thuốc lá, thuốc lào hoặc ngửi phải mùi thuốc lá, thuốc lào. Thay đổi thời tiết như độ ẩm và sương mù, lạnh và khô. Một số thuốc chữa bệnh mà người già đã và đang dùng cũng là căn nguyên gây nên bệnh hen như thuốc aspirin, kháng sinh, thuốc hạ nhiệt giảm đau, chống viêm không steroid... Bệnh nhân làm việc gắng sức. Ăn một số thức ăn lạ như: tôm, cua, cá biển, rượu, bia...; tiếp xúc một số muối kim loại, bụi gỗ, hơi xăng dầu. Xúc động mạnh, vui buồn quá độ... lâu ngày cũng là những căn nguyên thuận lợi làm bùng phát bệnh hen hoặc làm bệnh hen nặng thêm.

Dấu hiệu của bệnh hen ở người cao tuổi

Người già có thể bị hen ngoại sinh và hen nội sinh. Hen nội sinh hay hen do nhiễm khuẩn là hen không do dị ứng, không có tiền sử gia đình bị hen, triệu chứng dai dẳng, không rõ yếu tố làm bùng phát cơn hen. Cơn hen có thể xảy ra điển hình hoặc không rõ ràng. Một cơn hen điển hình thường xảy ra ban đêm, bệnh nhân khó thở chậm, rít, đôi khi có triệu chứng báo trước như hắt hơi, sổ mũi, ho khan, tức ngực; chủ yếu khó thở thì thở ra, cơn nặng bệnh nhân phải ngồi chống tay, há miệng thở, cơn có thể kịch phát hoặc liên tục. Lúc gần hết cơn hen thì ho tăng dần, khạc đờm trắng dính quánh, do nhiễm khuẩn thì đờm nhầy mủ màu vàng hoặc xanh, càng khạc được đờm ra bệnh càng nhanh đỡ và hết cơn. Khi đang hen, khám phổi: gõ vang, rung thanh bình thường, rì rào phế nang giảm, có ran rít, ran ngáy ở khắp hai bên phổi.

Cơn hen kịch phát điển hình thì khó thở chậm, có tiếng rít xuất hiện đột ngột từ vài phút đến hàng giờ. Cơn hen liên tục: khó thở chậm rít, kéo dài từ 4 - 5 giờ đến một vài ngày. Cơn ác tính hen liên tục nặng trên 24 giờ do tắc nghẽn phế quản tận, dùng thuốc hen thông thường không kết quả, biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, suy tim phải, tử vong.

Một số triệu chứng chủ yếu của hen ở người già là ho thường kéo dài kèm theo khó thở, khò khè và nặng ngực. Những dấu hiệu này nếu nhẹ thường bị bỏ qua vì cho là bệnh của người già khi thời tiết thay đổi đột ngột. Bệnh hen ở người già dễ nhầm với một số bệnh khác như bệnh tim, viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh viêm phế quản  mạn tính, bệnh khí phế thũng, viêm mũi, xoang, trào ngược dạ dày thực quản, lao phổi...

Hen ngoại sinh là do dị ứng, thường bị cơn hen ở cuối ngày hoặc buổi tối sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, đỡ khó thở sau khi được nghỉ ngơi.

Hen có thể gây các biến chứng cấp tính là hen ác tính, tâm phế cấp, tràn khí màng phổi và biến chứng mạn tính gồm khí phế thũng, biến dạng lồng ngực, suy hô hấp mạn, tâm phế mạn.

Chữa trị và phòng bệnh

Điều trị chống co thắt phế quản dùng các loại thuốc sau:  theophylin, synthophylin, salbutamol, ventolin, terbutalin. Thuốc kháng cholinergic như ipratropium bromide theostast, salmeterol. Thuốc chống viêm dùng methyl prednisolon, corticoid tại chỗ như becotid, pulmicort, sertide. Chống dị ứng: các thuốc kháng histamin tổng hợp. Chống bội nhiễm dùng kháng sinh, nhưng tránh dùng các thuốc dễ gây dị ứng như penixilin. Trường hợp cấp cứu cho bệnh nhân thở ôxy, khi cần thiết cho thở máy, dùng thêm các thuốc long đờm, giảm ho, truyền dịch, trợ tim mạch, đặc biệt dùng corticoid liều cao.

Phòng bệnh: nếu biết được nguyên nhân gây bệnh hen thì tìm mọi cách để loại trừ. Mùa lạnh cần mặc ấm, tắm nước nóng và không nên tắm lâu. Ngày lạnh không nên ra ngoài trời sớm, nhất là các cụ có thói quen tập thể dục buổi sáng. Thời tiết lạnh và gió nên tập thể dục trong nhà, ở nơi thoáng mát. Phòng ngủ phải kín gió. Bỏ hẳn hút thuốc lá, thuốc lào. Không nên nuôi chó mèo trong nhà nếu nghi là do chúng gây ra  bệnh hen. Nên giặt chăn, màn, ga, vỏ gối, vỏ chăn hàng tuần tránh nấm mốc. Tích cực diệt ruồi, gián, muỗi chuột. Người già vẫn cần tập thể dục, vận động thân thể, ăn uống điều độ để nâng cao sức khoẻ phòng chống mọi bệnh tật. Nên khám sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện và điều trị các bệnh tật. 

ThS. Phạm Thanh Tùng


Ý kiến của bạn